Giúp doanh nghiệp tăng thêm kinh nghiệm bán hàng trên nền tảng số

Nhiều lợi ích

Vừa uống cà phê với bạn, anh Nguyễn Văn Lợi, chủ DN tư nhân hàng điện tử, điện lạnh trên đường Phan Đăng Lưu (TP. Huế) vừa kiểm tra các đơn hàng chờ nhập, hàng đã chuyển cho khách đặt mua, kiểm tra hàng tồn kho… và giải quyết các loại hóa đơn tài chính, thậm chí xem khối lượng công việc của nhân viên đang làm việc tại cửa hàng một cách dễ dàng thông qua smartphone.

“Ngày nay, kinh doanh buôn bán mà không sử dụng phần mềm, không thanh toán điện tử thì sẽ rất khó cạnh tranh. Phần mềm quản lý giải phóng sức lao động, linh động trong quản lý, rõ ràng thu chi… nên giá trị mang lại rất lớn”, anh Nguyễn Văn Lợi cho biết.

Cũng nhờ ứng dụng thành công hệ thống bán hàng bằng phần mềm công nghệ, anh Tôn Thất Thành, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản SunFarm quản lý được tất cả các khâu từ kho sản phẩm đến thị trường, chỉ cần những thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh, hoặc máy tính. Theo anh Tôn Thất Thành, thông qua phần mềm bán  hàng đang áp dụng, anh có thể quản lý hiệu quả hai khâu quan trọng nhất trong phân phối sản phẩm, đó là quản lý được nhân viên bán hàng và tỷ lệ khách hàng. “Từ tỷ lệ phần trăm khách sỉ, khách lẻ mà phần mềm tự động cập nhật, giúp tôi có thể đưa ra được những quyết định chính xác trong chiến lược, sản xuất, kinh doanh cho DN”, anh Thành chia sẻ.

Ngoài hai DN trên, hiện các DN nhỏ, siêu nhỏ, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã ứng dụng các phần mềm bán hàng trực tuyến, đa kênh, tiếp thị, quản lý quan hệ khách hàng, quản trị kênh phân phối. Nhiều DN đang trực tiếp kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Tiki, Lazada, Shopee… giúp tiết kiệm nhân lực, chi phí và tăng cường tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên; góp phần gia tăng giá trị thương hiệu của DN đối với khách hàng và nhà đầu tư.

Bên cạnh các hoạt động chuyển đổi mô hình bán hàng, tiếp thị, quản trị và vận hành, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nhận thấy, chuyển đổi số là cơ hội để sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, hướng tới thay đổi bản chất doanh nghiệp. Điều này đang góp phần tạo ra các DN hoạt động theo những phương thức mới, dựa trên việc kết nối các hệ thống công nghệ, dữ liệu và xử lý thông tin tự động.

Gắn với thực tế của doanh nghiệp

Chuyển đổi số là cơ hội cho DN nhỏ và siêu nhỏ phát triển nhanh hơn, tuy nhiên, không ít DN vẫn đang chật vật tìm đường chuyển đổi số phù hợp. Bà Nguyễn Ngọc Châu, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Châu, chuyên kinh doanh hàng điện tử, điện lạnh phường Đông Ba, TP. Huế tỏ ra lo lắng khi nhắc đến chuyển đổi số. Bà Châu cho biết, không chuyển đổi số thì sợ tụt hậu, bị bỏ lại phía sau, mà thực hiện chuyển đổi số thì không biết bắt đầu từ đâu và như thế nào cho hiệu quả. “Công ty tôi đã từng áp dụng một vài phần mềm nhưng không thành công”, bà Châu cho biết.

Thực tế hiện nay, bên cạnh những DN chuyển đổi số thành công, thì cũng không ít DN thất bại. Nhiều DN làm chuyển đổi số theo phong trào, hoặc chưa hiểu hết về chuyển đổi số dẫn đến việc áp dụng, ứng dụng chưa mang lại hiệu quả. Có những DN quan tâm nhiều đến chuyển đổi số bằng công nghệ mà chưa quan tâm tới các yếu tố nhân sự và quản trị doanh nghiệp.

Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho biết, thực tế có tình trạng, DN nhỏ và siêu nhỏ dư thừa thông tin về chuyển đổi số nhưng lại thiếu tính thực tiễn, thiếu đặc tính ngành để áp dụng, vì vậy chuyển đổi số chưa mang lại kết quả như mong muốn.

Theo ông Dương Tuấn Anh, để chuyển đổi số mang lại hiệu quả, chủ DN cần hiểu rõ bản chất, nhu cầu chuyển đổi số cho ngành của mình là gì, lãnh đạo DN phải lên kế hoạch, chọn đúng đối tác, nhà tư vấn và phải kiên trì triển khai vận hành cho hiệu quả.

Từ kinh nghiệm bản thân, anh Tôn Thất Thành chia sẻ, chuyển đổi số phải xuất phát từ người đứng đầu DN và cần sự thống nhất cao trong ban lãnh đạo và bộ máy, làm từ dễ đến khó. Tùy theo DN, có thể làm từ trong ra ngoài, từ chuyển đổi số trong nội bộ trước khi làm những ứng dụng phát triển ra thị trường.

Để đồng hành cùng DN trong CĐS, Hiệp hội DN tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức nhiều khóa đào tạo từ tổng quan đến chuyên sâu về CĐS. Hiệp hội DN tỉnh cũng thành lập CLB Chuyển đổi số, tập hợp của những DN, tổ chức, cá nhân có nhu cầu, kinh nghiệm CĐS trên địa bàn tỉnh, cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm và tạo ra các giá trị cho các thành viên trong CLB cũng như cộng đồng DN nhỏ và siêu nhỏ trong tỉnh.

“CĐS không chỉ nằm ở những công nghệ DN sử dụng để chuyển đổi, mà còn là cách thức và lý do tại sao họ chuyển đổi. Tuy công nghệ là cần thiết cho quá trình thay đổi này nhưng để thành công, công nghệ cần kết nối với con người. Nói cách khác, con người là yếu tố quyết định đến việc CĐS có thực sự thành công hay không”, ông Dương Tuấn Anh khẳng định.

Bài, ảnh: Hải Thuận