Hội nghị Trung ương lần thứ 6 nhằm hoàn thành về cơ bản việc triển khai nhiệm vụ quán triệt, thực hiện các nội dung, vấn đề lớn, cốt yếu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: TTXVN

"Thấy cây mà chưa thấy rừng"

Trước những vụ xử lý kỷ luật, xử lý hình sự những cán bộ cấp cao, chúng xuyên tạc; đó chỉ là các "phe cánh triệt tiêu nhau", “thanh trừng bè phái”, “đấu đá nội bộ”, “lợi ích nhóm”... Chúng triệt để lợi dụng, khoét sâu những bức xúc của Nhân dân trước tình trạng một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo tham nhũng, tiêu cực; suy thoái đạo đức, lối sống... để tung ra những bài viết mang tính phiến diện một chiều, quy chụp mọi sai lầm, khuyết điểm, yếu kém trong lãnh đạo.

Nguy hiểm hơn, chúng nhận định cán bộ không vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích Nhân dân mà chỉ là phục vụ chuẩn bị cho "vây cánh", “chạy ghế”, “sắp xếp”, "thỏa hiệp" hoặc phải chạy tiền tỷ ở những “ghế” có "nhiều màu".

Chưa kể, chúng còn lên lớp “khuyên”: Đảng tốt hay xấu, quan chức tốt hay xấu, người dân đều rõ cả. Do vậy, Đảng phải chứng minh trong sạch trong làm quy hoạch cán bộ, công khai thu nhập của lãnh đạo cấp cao.

Thâm hiểm hơn, trước các Hội nghị Trung ương 5, 6 năm 2022, chúng tung ra một loạt bình luận bôi nhọ nhằm hạ uy tín, chia rẽ lãnh đạo mà chúng gọi là “tứ trụ triều đình” về năng lực, phẩm chất đạo đức và “có vấn đề” trong các đại án, sắp xếp vị này vị kia sẽ nghỉ, người sẽ thay thế và xem đây như cuộc “chạy đua” vào “tứ trụ”, giành chức vụ cao nhất.

Kết thúc Hội nghị Trung ương thông báo những chủ trương, đường lối lớn mang tầm quốc gia mà không thấy đề cập “chuyển ghế” là cái vả vào miệng kẻ phao tin xuyên tạc.

Đánh giá khách quan, về đội ngũ cán bộ trong bộ máy chưa thực sự đủ mạnh, chưa đồng đều, còn hạn chế, yếu kém trên nhiều mặt. Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong cơ chế để cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng bị xử lý về kỷ luật Đảng, khởi tố hình sự. Số vi phạm bị xử lý kỷ luật trong trong những năm gần đây tăng nhiều so với hơn 30 năm trước.

Việc bổ nhiệm, đề bạt vẫn còn tình trạng “đúng quy trình nhưng không đúng người”, “sắp xếp người nhà, người thân”, “hạt giống đỏ chín ép”… xảy ra ở nhiều nơi gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đó là thực trạng đáng buồn.

Tuy nhiên, cần phải thấy rằng những sai phạm của tập thể, cá nhân chỉ là cá biệt, bộ phận, là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể chỉ "thấy cây mà không thấy rừng", lấy số ít để suy diễn, quy chụp tổng thể, dựa vào khuyết điểm của cá nhân mà phủ nhận vai trò lãnh đạo của hàng ngũ cán bộ có tâm huyết, hết lòng vì sự nghiệp chung.

Nâng cao vai trò lãnh đạo trong giai đoạn mới

Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước tạo nên đội ngũ cán bộ lãnh đạo từng bước trưởng thành, phát triển về trình độ năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều cán bộ năng động, sáng tạo, bắt nhịp kịp xu thế hội nhập, ứng dụng KHCN, đáp ứng kịp yêu cầu làm việc trong môi trường mới. Đa số cán bộ lãnh đạo có phẩm chất, uy tín, vững vàng bản lĩnh chính trị, có tư duy đổi mới, khả năng hoạch định đường lối, chính sách được Đảng và Nhân dân tín nhiệm. Hầu hết lãnh đạo được tôi luyện, thử thách qua thực tiễn, trung thành với Đảng, vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân... Đó là những nhân tố rất đáng trân trọng và là vốn quý cho tương lai đất nước.

Cán bộ, Nhân dân đồng thuận cao phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo trước khi chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ 13: “Phải coi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”, “thực hiện phải hết sức thận trọng, bảo đảm đúng nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng về công tác cán bộ, phải thật sự công tâm, khách quan. Tuyệt đối không được thiên vị, cá nhân, không để lọt vào quy hoạch những người không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, có quan điểm lệch lạc, mất đoàn kết, tham nhũng, tiêu cực”.

Vấn đề đặt ra là phải thực hiện nhất quán nguyên tắc, phương châm xây dựng, chỉnh đốn Đảng về công tác cán bộ trong bộ máy của hệ thống chính trị. Xây dựng cán bộ theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.

Yêu cầu của Bác là: “Tuyển chọn, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng để có thể sử dụng tốt đội ngũ cán bộ có chất lượng cao là điều kiện cơ bản cho bộ máy tổ chức Đảng và các cơ quan công quyền vận hành tốt, có hiệu quả”.

Công tâm, khách quan trong công tác cán bộ, kiên quyết loại ra khỏi hàng ngũ cán bộ thoái hóa, biến chất lấy lại niềm tin trong cán bộ, Nhân dân. Hơn lúc nào hết, cần nhận thức rõ âm mưu của các thế lực chống đối, kiên quyết vạch trần, đấu tranh với các luận điệu bịa đặt, xuyên tạc. Đề cao cảnh giác, nhận diện, vạch trần những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch để kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái hòng phá rối công tác cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược.

Nhất quán nguyên tắc thống nhất, đoàn kết trong Đảng, không để các lực lượng thù địch lợi dụng những sơ hở nhằm dựng lên những luận điệu về “thanh trừng bè phái”, “đấu đá nội bộ”, “lợi ích nhóm”... như chúng thường rêu rao, hạ uy tín đối với hàng ngũ cán bộ lãnh đạo.

Được Nhân dân tin yêu, ủng hộ là thước đo quan trọng nhất, không có thế lực nào có thể chia rẽ, làm giảm uy tín về vai trò lãnh đạo của Đảng.

 NGUYỄN AN HÒA