Mô phỏng cabin để đào tạo lái ô tô tại Trường Giao thông Vận tải Huế
Thiếu sự chuẩn bị
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ GTVT ban hành Thông tư 04 quy định các trung tâm, cơ sở đào tạo lái ô tô phải đầu tư thiết bị cabin tập lái để học viên học từ ngày 1/1/2023. Với thiết bị này, học viên tham gia học lái ô tô sẽ có tối thiểu bốn giờ thực hành các bài cơ bản: cách vận hành số xe, lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch; làm quen với các bài về địa hình như đường đồi núi, cao tốc…
Đề cập vấn đề trên, ông Nguyễn Thanh Trí, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Đào tạo nghề Tâm An Huế cho biết, mức đầu tư từ 500-600 triệu đồng/cabin ngang với mức đầu tư một ô tô tập lái. Tuy nhiên, thiết bị cabin chưa được thử nghiệm để đánh giá tác dụng đến đâu, sự cần thiết thế nào, hiệu quả mang lại ra sao... là điều ông Trí băn khoăn khi đưa vào áp dụng.
Tìm hiểu tại các cơ sở, trung tâm đào tạo lái ô tô trên địa bàn, nhiều đơn vị thực sự lúng túng khi thời gian không còn dài để đưa thiết bị cabin vào giảng dạy đầu năm 2023. Lý do các cơ sở đưa ra, thời gian qua ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tuyển học viên khó khăn. Mới hoạt động trở lại, số lượng học viên chưa nhiều, tạo áp lực cho các trung tâm, cơ sở đào tạo về nguồn vốn trong đầu tư trang bị thiết bị cabin điện tử. Hơn nữa, hiện tại chưa có đơn vị nào đủ điều kiện thực hiện thử nghiệm cabin học lái ô tô, chưa có sản phẩm được công bố hợp quy để cung cấp cho các cơ sở đào tạo.
Ông Ngô Sĩ Các, Phó Hiệu trưởng Trường GTVT Huế cho biết, là trường công lập, mọi chi tiêu, đầu tư trang thiết bị giảng dạy phải có kế hoạch từ đầu năm. Thời gian từ nay đến khi đưa thiết bị cabin vào giảng dạy không còn dài chính là áp lực cho đơn vị. Chưa nói đến kinh phí, hiện nay không biết mua thiết bị ở đâu; đơn vị nào được công bố có sản phẩm được bộ ngành chức năng chứng nhận hợp quy.
"Mặc dù đã nắm được quy định nhưng trường đang chờ hướng dẫn, "nghe ngóng" trước khi đầu tư, đấu thầu mua sắm, lắp đặt cabin để đưa vào giảng dạy" - ông Các nói.
Không đầu tư sẽ không được đào tạo lái ô tô
Theo lãnh đạo Sở GTVT, việc áp dụng cabin điện tử cho đào tạo, sát hạch lái ô tô là chủ trương đúng đắn của Bộ GTVT nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, sát hạch trong lĩnh vực này.
Khi đưa thiết bị cabin điện tử vào quy trình đào tạo lái xe, học viên sẽ được tập luyện kỹ năng và tập phản xạ trong điều kiện các yếu tố về địa hình, cung đường, thời tiết, tình trạng giao thông và các tình huống giao thông khác nhau nhằm nâng cao kỹ năng đảm bảo an toàn giao thông. Đây là giải pháp để đổi mới công tác sát hạch lý thuyết và thực hành, góp phần nâng cao chất lượng chương trình dạy học...
Ông Nguyễn Huỳnh Quang, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo - Sát hạch & Người lái, Sở GTVT cho biết, theo quy định của Thông tư 12/2017/TT-BGTVT của Bộ GTVT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, các cơ sở đào tạo phải trang bị, sử dụng cabin học lái xe ôtô từ ngày 1/7/2022. Tuy nhiên, trước kiến nghị của các Sở GTVT, các Hiệp hội, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN) đã báo cáo Bộ GTVT xin lùi thời gian cho các cơ sở đào tạo lái xe trang bị cabin học lái ôtô vào đầu năm 2023.
Việc Bộ GTVT cho lùi thời hạn trang bị thiết bị cabin đến đầu năm 2023 một phần do ảnh hưởng dịch COVID-19; đồng thời giúp cho các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe có thêm thời gian để hoàn chỉnh lắp đặt mô hình cabin điện tử phù hợp với các tiêu chí quy định của TCĐBVN và lựa chọn được nhà cung cấp thiết bị đảm bảo theo quy chuẩn. Ngoài ra, các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe sẽ có quy trình tổ chức hướng dẫn, tập huấn cho giáo viên, sát hạch viên để khi kiểm tra sát hạch cho học viên trên mô hình cabin đảm bảo chính xác.
Theo phản ánh của các cơ sở, trung tâm đào tạo lái xe ở địa phương, mới đây TCĐBVN tiếp tục có văn bản gửi các sở GTVT về việc trang bị, sử dụng cabin đào tạo lái ô tô. Theo đó, sở GTVT có trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở đào tạo theo dõi các doanh nghiệp đã được công bố có sản phẩm hợp quy trên trang thông tin điện tử của cục. Căn cứ vào công bố này, các cơ sở đào tạo lái ô tô lựa chọn được nhà cung cấp thiết bị đảm bảo theo quy chuẩn để đưa vào giảng dạy theo lộ trình được quy định tại Thông tư 04/2022 của Bộ GTVT.
"Việc trang bị thiết bị cabin để đào tạo lái xe là điều kiện bắt buộc đối với các cơ sở đào tạo lái xe. Nếu đơn vị nào không trang bị sẽ không được phép đào tạo lái ôtô"- đại diện lãnh đạo Sở GTVT nói.
Bài, ảnh: Song Minh