Doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm, người lao động thiệt thòi (Ảnh minh họa)

Người lao động thiệt thòi

Làm việc tại Công ty TNHH Một thành viên Takson Huế ở Khu công nghiệp Phú Bài từ nhiều năm qua, song đến khi bị bệnh phải nằm viện điều trị dài ngày, bà Nguyễn Thị H. mới tá hỏa vì thẻ BHYT của mình không còn giá trị sử dụng. Sau khi lên cơ quan BHXH tỉnh hỏi, bà H. mới biết do công ty còn nợ BHXH và BHYT nên theo quy định, đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) chậm đóng BHYT từ 30 ngày trở lên thì thẻ BHYT của toàn bộ NLĐ đang tham gia BHXH, BHYT tại đơn vị bị tạm dừng giá trị sử dụng. Vì vậy, bà H. phải tự bỏ tiền túi trả số tiền gần 10 triệu đồng sau thời gian nằm viện điều trị. “Là công nhân lương tiền đã ít ỏi, vậy mà giờ đây còn phải gánh thêm các khoản viện phí, chi phí khám, chữa bệnh nữa nên tôi rất lo”, bà H. chia sẻ.

Qua tìm hiểu, tính đến ngày 18/11/2022, Công ty TNHH Một thành viên Takson Huế chậm đóng BHXH, BHYT 7 tháng đối với 635 lao động, với tổng số tiền chậm đóng gần 5 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những DN chậm đóng BH nhiều nhất trên địa bàn.

Theo báo cáo của BHXH tỉnh, đến ngày 18/11 trên địa bàn có 412 DN chậm đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN với số tiền gần 74 tỷ đồng. Trong đó, nhiều DN chậm đóng với số tiền lên tới hàng tỷ đồng, như Công ty CP Xây dựng giao thông Thừa Thiên Huế hơn 4,7 tỷ đồng, Công ty CP Cơ khí và xây dựng công trình 878 gần 3,6 tỷ đồng, Công ty CP Hàng không Lữ hành Việt Nam  2,3 tỷ đồng, Công ty TNHH Thương mại vận tải San Hiền hơn 1,9 tỷ đồng… 

Nguyên nhân của tình trạng nợ đọng, chậm đóng BH có nhiều, nhưng nguyên nhân đầu tiên và cơ bản nhất là từ hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT… của chủ SDLĐ chưa tốt. Một số chủ SDLĐ nhận thức về trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT… cho NLĐ còn hạn chế, nhất là khu vực ngoài Nhà nước. Do vậy, việc đóng chậm, đóng thiếu hoặc trốn đóng BHXH, BHYT… vẫn xảy ra. Thực tế cho thấy, có những trường hợp người SDLĐ hiểu rất rõ trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT… cho NLĐ, nhưng vẫn cố tình không đóng các loại BH, hoặc chỉ đóng cho một số người trong bộ khung quản lý của đơn vị để giảm chi phí, thu lợi nhuận nhiều hơn.

Bên cạnh đó, nhận thức của chính NLĐ về chính sách BH cũng chưa đầy đủ nên còn có những trường hợp đồng ý với chủ SDLĐ trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT... Trường hợp hiểu biết về chính sách lại vì sức ép việc làm nên không dám đấu tranh với chủ SDLĐ để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Một số trường hợp khác chưa thực sự quan tâm đến BHXH, BHYT…, không nắm bắt thông tin của việc đóng - nộp BH của bản thân nên không có thông tin về việc chủ SDLĐ nợ BHXH. Một lý do nữa khiến tỷ lệ DN nợ BH gia tăng là do các DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh sau nhiều năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Giải pháp đốc thu - giảm nợ

Trước thực trạng đó, BHXH tỉnh có công văn đề nghị Cục Thuế tỉnh trong quá trình thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về thuế yêu cầu đơn vị chuyển nộp kịp thời cho cơ quan BHXH số tiền còn nợ và đưa nội dung yêu cầu đơn vị thực hiện chuyển nộp đầy đủ số tiền phát sinh hàng tháng và số tiền còn nợ cho BHXH tỉnh vào kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế. Đồng thời, hàng tháng, thông báo cho BHXH tỉnh kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế đối với các DN về lộ trình chuyển trả số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN nói trên. Đồng thời, Cục Thuế tỉnh chỉ đạo Chi cục Thuế các huyện, khu vực, TP. Huế phối hợp với BHXH các huyện, thị xã tăng cường công tác phối hợp đối chiếu dữ liệu và công tác thanh tra, kiểm tra tại các DN nhằm chấn chỉnh, xử lý các sai phạm trong công tác thu nộp tiền đóng các loại BH tại các đơn vị SDLĐ.

Theo lãnh đạo BHXH tỉnh, đơn vị đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để khai thác, phát triển người tham gia BHXH, BHYT…, đồng thời đốc thu giảm nợ, thực hiện thu đạt kế hoạch về số người tham gia, số tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN theo chỉ tiêu được BHXH Việt Nam giao. Trong đó, thường xuyên báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tình trạng chậm đóng BH của các DN trên địa bàn; thông báo kết quả đóng BH đến đơn vị SDLĐ để đôn đốc nộp tiền đóng đầy đủ, đúng hạn; phân công lãnh đạo, cán bộ thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động, sản xuất, kinh doanh để đôn đốc DN đóng BH, không để phát sinh chậm đóng. 

Một trong những giải pháp “mạnh tay” mà BHXH tỉnh đang thực hiện đó là tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành đối với DN chậm đóng từ 3 tháng trở lên, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm; đối với đơn vị đã bị xử phạt nhưng chưa thực hiện hoặc cố tình chây ì thì ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt theo thẩm quyền. Đồng thời, công khai danh sách chậm đóng BH trên các phương tiện thông tin đại chúng các DN trốn đóng, chậm đóng BH với số tiền lớn, thời gian chậm kéo dài…

Bài, ảnh: Thanh Hương