Ước tính, Ấn Độ đang trên đà nhận được hơn 100 tỷ USD tiền kiều hối/năm. Ảnh minh hoạ: VNEconomy

Kiều hối là nguồn thu nhập quan trọng của hộ gia đình đối với người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, giúp xóa đói giảm nghèo, cải thiện kết quả dinh dưỡng và có liên quan đến việc tăng cân nặng khi sinh của trẻ sơ sinh và tăng tỷ lệ nhập học cho trẻ em ở các hộ gia đình khó khăn. Các nghiên cứu cho thấy kiều hối cũng giúp các hộ gia đình nhận được tiền xây dựng khả năng phục hồi, chẳng hạn như thông qua việc xây dựng nhà ở tốt hơn và đối phó với những thiệt hại do hậu quả của thiên tai.

Theo WB, lượng kiều hối được ghi nhận chính thức đã tăng trong năm 2022 khi các nền kinh tế sở mở cửa trở lại, thúc đẩy gia tăng việc làm cho người di cư và giúp họ có khả năng tiếp tục giúp đỡ gia đình ở quê nhà. Mặt khác, giá cả tăng cao đã ảnh hưởng xấu đến thu nhập thực tế của người di cư, WB cho biết.

“Những người di cư đã giúp giảm bớt tình trạng căng thẳng trên thị trường lao động ở các nước sở tại, đồng thời hỗ trợ gia đình họ thông qua kiều hối. Các chính sách bảo trợ xã hội toàn diện đã giúp người lao động vượt qua những bấp bênh về thu nhập và việc làm do đại dịch COVID-19 gây ra”. Ông Michal Rutkowski, Giám đốc Toàn cầu về Bảo trợ xã hội và Việc làm của WB cho biết.

Xét theo khu vực, châu Phi là nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của các cuộc khủng hoảng kép, bao gồm hạn hán nghiêm trọng, trong khi giá năng lượng toàn cầu và giá hàng hóa lương thực tăng đột biến. Kiều hối đổ về châu Phi cận Sahara ước tính tăng 5,2% lên 53 tỷ USD trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức tăng 16,4% của năm ngoái. 

Trong khi đó, dòng kiều hối chuyển từ châu Âu đến Trung Á ước tính tăng 10,3% lên 72 tỷ USD trong năm 2022. Sự gia tăng giá dầu và nhu cầu về lao động nhập cư đã làm tăng dòng kiều hối từ Nga đến các nước Trung Á. Đồng thời, sự tăng giá của đồng rúp so với đồng USD đã khiến các khoản kiều hối từ Nga chuyển về Trung Á đạt giá trị cao hơn khi quy về đồng USD. Đến năm 2023, dòng kiều hối được dự đoán sẽ tăng trưởng vừa phải hơn ở mức 4,2%, do triển vọng yếu hơn đối với các quốc gia gửi kiều hối lớn.

Với các khu vực khác, tăng trưởng dòng kiều hối ước tính đạt 9,3% ở Mỹ Latinh và Caribe, 3,5% ở Nam Á, 2,5% ở Trung Đông và Bắc Phi, và 0,7% ở Đông Á và Thái Bình Dương. Đáng chú ý trong năm 2022, lần đầu tiên một quốc gia duy nhất - là Ấn Độ, đang trên đà nhận được hơn 100 tỷ USD tiền kiều hối/năm.

Cũng theo báo cáo của WB, tăng trưởng của dòng kiều hối dự kiến ​​sẽ giảm hơn nữa trong năm 2023 khi tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội ở các nước thu nhập cao tiếp tục chậm lại.

Báo cáo cho biết: “Những rủi ro suy thoái vẫn còn đáng kể, bao gồm tình trạng xung đột ở Ukraine ngày càng xấu đi, giá dầu và tỷ giá hối đoái nhiều biến động, cũng như các nước thu nhập cao phải đối mặt với nguy cơ suy thoái sâu hơn dự kiến”.

Năm quốc gia nhận kiều hối hàng đầu trong năm 2022 dự kiến ​​sẽ là Ấn Độ với cột mốc 100 tỷ USD, Mexico với 60 tỷ USD, tiếp đến là Trung Quốc, Philippines và Ai Cập.

Ngoài ra, Cơ sở dữ liệu chi phí chuyển tiền trên toàn thế giới cũng đề cập đến các khoản phí để chuyển kiều hối. Theo đó, chi phí gửi 200 USD qua biên giới quốc tế đến các nước có thu nhập thấp và trung bình vẫn ở mức cao trung bình 6% trong quý II/2022. Thực ra, chuyển tiền qua nhà khai thác di động là rẻ nhất (với mức phí 3,5%), nhưng các kênh kỹ thuật số chiếm chưa đến 1% tổng khối lượng giao dịch. Công nghệ kỹ thuật số cho phép các dịch vụ chuyển tiền nhanh hơn và rẻ hơn đáng kể. Nhưng gánh nặng tuân thủ các quy định về Chống rửa tiền/Chống tài trợ khủng bố tiếp tục hạn chế khả năng tiếp cận của các nhà cung cấp dịch vụ mới đối với các ngân hàng. Các quy định này cũng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận các dịch vụ chuyển tiền kỹ thuật số của người di cư.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Reuters & WB)