Một góc nhà vườn An Hiên. Ảnh: BẢO MINH

Hết mưa rồi nắng. Nắng nóng gây mưa nhiều đến nỗi người Huế xem mưa như một đặc sản, là một biểu tượng cho sự lãng mạn kín đáo. Buổi sáng thật tuyệt khi thưởng thức tô bún bò nóng hổi. Nhìn tô bún nóng hổi, nước ngọt thanh không váng mỡ, thơm nồng mùi mắm ruốc, thơm dịu của sả và cay nồng của ớt. Sả cho tô bún hương thì ruốc sẽ cho tô bún vị. Thưởng thức tô bún bò nóng sẽ ấm lòng trong ngày giá lạnh để tiếp thêm năng lượng khám phá vùng đất gây thương, gây nhớ cho bao tâm hồn lãng tử.

Đến thăm quần thể di tích Cố đô, Đại Nội luôn thu hút tôi nhất dù đã đến nhiều lần, bởi nét độc đáo về kiến trúc cũng như được thưởng lãm về nét văn hóa nghi thức cung đình xưa. Cứ Đại Nội mở cửa là sẽ có khách vào tham quan. Dù tình hình dịch bệnh, nhưng tình yêu Cố đô không thể nào sánh bằng. Du khách nước ngoài chưa thể đến nên đã được thành phố tôn tạo và phục hồi một số hoạt động du lịch địa phương.

Ngoài đền đài, cung điện, lăng tẩm cổ kính, xứ Cố đô còn nổi tiếng với vùng đất sơn kỳ thủy tú với sông Hương núi Ngự thơ mộng, trữ tình. Khung cảnh ấy càng lãng mạn thêm khi khoác lên mình một áo choàng sương mờ. Trong cơn mưa rả rích Huế càng trầm mặc hơn. Lúc này Huế bình yên đúng nghĩa thơ mộng mà sâu lắng. Bên dòng Hương giang, gần chùa Thiên Mụ có vùng đất Kim Long. Vùng đất này ngày xưa chỉ dành cho những gia đình danh gia vọng tộc, vì vậy mà những nhà vườn bề thế vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay.

Nhà vườn là một loại hình kiến trúc đặc trưng của xứ Huế. Nó vừa có dáng vẻ quý tộc lại vừa có màu sắc dân gian truyền thống. Hiện nay ở Huế còn tồn tại hàng trăm ngôi nhà vườn với thiết kế và kiến trúc vô cùng độc đáo. Trong hàng trăm ngôi nhà vườn ấy, nhà vườn An Hiên có lẽ là công trình tiêu biểu nhất, mẫu mực nhất, đặc sắc nhất của Cố đô Huế. Lối vào nhà vườn là một cổng vòm nhỏ được xây dựng bằng gạch vôi vữa. Dọc theo lối đi là hai dãy cây mận trắng đan tầng vào nhau, tỏa bóng mát cả một vùng. Rẽ phía trái sẽ nhìn thấy hồ nước hình chữ nhật được bao phủ hoàn toàn bởi hoa súng và hoa sen. Ngoài ra trong sân vườn còn trồng thêm rất nhiều loại cây ăn quả như quýt, măng cụt, sầu riêng, thanh long, mơ, hồng, vải thiều, thanh trà…

Đến An Hiên trong một ngày mưa, tiếng mưa lắng đọng trong từng ngõ ngách, ngôi nhà hơn 100 tuổi thì sẽ cảm nhận sâu sắc vì sao nhà vườn Huế là nơi chốn bình yên, là nơi trú ngụ những tâm hồn xứ Huế kín đáo, thanh tao, hùng hậu. Yêu sao dáng vẻ thanh khiết trong từng giọt mưa, yêu khung cảnh thanh bình thơ mộng, yêu những con người của đất Cố đô, yêu những món ngon mà chỉ có Huế mới có, yêu cái dáng vẻ dịu dàng, yêu giọng nói ngọt ngào không lẫn vào đâu được!

Khám phá Cố đô chắc chắn sẽ không thể bỏ qua địa điểm chợ Đông Ba. Đi chợ Đông Ba trong cái lạnh, sự ẩm ướt cũng là một thú vui, thấy được sự đặc sắc của chợ truyền thống ở Việt Nam. Vừa bước vào chợ, tôi bị choáng ngợp bởi các đặc sản của đất Cố đô: bánh mứt, mè xửng, hạt sen, trà cung đình và các đặc sản của miền Trung. Thu hút nhất là dãy hàng mắm Huế bởi mùi hương đặc trưng và màu sắc bắt mắt. Cũng chỉ là cá tôm nhưng đúng là hương vị rất riêng, rất Huế. Ngoài ra mắm cũng được biến tấu thêm nông sản như dưa, cà, hành tạo nên nhiều loại mắm độc đáo.

Đi vòng quanh chợ và ghé vào các quán ăn, tôi chọn chén chè bột lọc còn cô bạn chọn chè chuối. Tôi cảm nhận độ dẻo của vỏ bánh, sần sật của dừa và độ giòn tan của đậu phộng cùng nước cốt dừa thơm phức. Còn cô bạn nói chè chuối với sự kết hợp của chuối sứ chín vàng tẩm thêm mật ong tạo cho món chè có màu rất đẹp mắt. Món chè được làm rất tỉ mỉ khi chuối được tẩm mật ong đem ra bóc vỏ nướng thơm trên nền than hoa, sau đó cắt từng miếng nhỏ dải trên cốt dừa thơm ngậy cùng với những hạt trân châu trong vắt. Món chè rất thích hợp ăn vào ngày hè nóng bức bởi sự thanh mát vốn có mà bạn nhất định phải thử qua. Hẹn dịp khác sẽ thưởng thức chè chuối. Rất nhiều món chè mang nét riêng của Huế.

Vòng sâu vào trong chợ là những tiểu thương có thâm niên trong nghề. Đứng trước các loại nón tôi loay hoay không biết chọn loại nào. Cô bạn nhanh trí chỉ tôi cách phân biệt nón bền dùng lâu và nón chỉ để trang trí. Nón nhặt đường chỉ, lá dày là nón dùng thường ngày, nón mỏng, chỉ thưa dùng để trang trí. Độc đáo nhất là chiếc nón bài thơ, mới thoạt nhìn chẳng thể phân biệt những khi đưa lên chỗ có ánh sáng là cảnh sắc của Huế hiện ra kèm với những câu thơ say đắm lòng người. Bạn tôi nói ngày xưa tỏ tình lãng mạn lắm, chàng trai, cô gái chỉ cần viết thư rồi tặng cho nhau như tín vật. Ngắm mải mê không chán mới thấy được sự tài hoa của con người xứ Cố đô.

Không gian trong chợ chật hẹp nhưng khá gần gũi bởi tiếng chào mời ngọt ngào. Chúng tôi lại lang thang lên lầu may, những thợ may ở đây là những người lớn tuổi do tình hình dịch bệnh nên rất ít người. Dù lớn tuổi nhưng ngọn lửa yêu nghề vẫn cháy như buổi ban đầu. Với chiếc máy may truyền thống, những thợ may đã tạo ra những bộ lễ phục, cờ truyền thống không có nơi nào sánh bằng. Giữa sự náo nhiệt của thành phố vẫn còn một nốt xưa mang tên hoài niệm. Nhìn sự chăm chút của người thợ, tôi như thấy thời gian quay về trong từng đường kim mũi chỉ.

Lội chợ xong lại lang thang ra những cung đường để thưởng thức đặc sản của Huế: mưa. Mưa Huế ban đầu dầm dề lê thê, những khi đắm mình cùng với mưa sẽ thấy nhớ thêm thương. Hãy đến với Huế và sống cùng để cảm nhận vẻ đẹp nên thơ níu chân bao người. Yêu Huế. Yêu con người xứ Huế. Yêu đất trời Huế. Yêu hơn những điều cổ kính, lâu đời và cả những điều nhỏ nhoi, bình dị thường ngày đó. Mến cái giọng ngọt ngào. Thương những cơn mưa dài lê thê. Đứng trước những thách thức trong cơn dịch đang hoành hành toàn cầu, chúng ta mãi bên nhau, mãi là của nhau, dành cho nhau những tình yêu tuyệt vời nhất. Miền đất Cố đô cũng đang vững vàng bước vào mùa xuân mới với niềm tin và hy vọng.

PHẠM THỊ MỸ LIÊN