Tham dự và chủ trì hội nghị có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp thu các ý kiến tại hội nghị
Nhiều ý kiến góp ý để hoàn thiện các nội dung
Trước khi bế mạc, tại phiên thảo luận tại tổ và hội trường đã có 30 lượt ý kiến phát biểu.
Hầu hết các ý kiến bày tỏ sự đồng tình cao với các tờ trình, báo cáo và cho rằng, các văn kiện đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, khoa học, toàn diện. Tỉnh ủy cũng đề xuất cách thức giải quyết, xử lý những hạn chế còn bất cập, nhất là những giải pháp phải tập trung triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.
Theo đó, về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đa số các ý kiến cho rằng, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tỉnh đã đạt nhiều kết quả khẳng định quyết tâm cao của các cấp, các ngành, địa phương. Tuy vậy, cần làm rõ thêm những khó khăn, hạn chế, sự mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, đầu tư, quy hoạch…
Đối với Phương án mô hình thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, hội nghị thống nhất cao với Tờ trình của Ban Thường vụ và đề xuất tên gọi Thành phố Huế và chọn phương án 3 quận, 2 thị xã, 4 huyện.
Hội nghị cũng nhất trí về chủ trương sửa đổi, bổ sung thí điểm chính sách hỗ trợ cho các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây. Chủ trương này tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, thu ngân sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Liên quan đến Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, một số ý kiến nhận định phạm vi đề án quá rộng; một số chỉ tiêu Đề án đặt ra những thách thức lớn; cần phân vùng rõ hơn để quy hoạch, định hướng phát triển vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai…
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho rằng, nội dung của các ý kiến tham gia đã được thể hiện, phản ánh trong các tờ trình, báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với liều lượng khác nhau. Sau khi tiếp thu các ý kiến, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát kỹ, tiếp thu đầy đủ và hoàn thiện các báo cáo, đồng thời lưu ý trong công tác lãnh chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện
Dự án cao tốc La Sơn – Túy Loan, đoạn La Sơn, Thừa Thiên Huế đến Hòa Liên, Đà Nẵng đưa vào khai thác năm 2022 tạo động lực phát triển kinh tế xã hội. Ảnh: Ngọc Hiếu
Sớm triển khai các nhiệm vụ trọng tâm
Sau khi thông qua những nội dung mà hội nghị đề ra, phát biểu bế mạc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đề nghị, các Tỉnh ủy viên, Bí thư cấp ủy, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 gắn với phân công trách nhiệm cụ thể.
Đó là việc triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2025. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; giải phóng mặt bằng và cắt giảm các thủ tục hành chính. Tập trung tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho các dự án, nhà đầu tư gắn với rà soát, thu hồi các dự án không có khả năng triển khai một cách quyết liệt. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị gắn với các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy đề ra; hoàn chỉnh Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030; tiếp tục phòng, chống, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh.
Ngoài ra, cần phát triển mạnh sản xuất công nghiệp, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại thị trường du lịch, chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ mới.
Triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách nhà nước giai đoạn 2021 - 2026. Xây dựng hoàn thiện bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Thực hiện nghiêm quy định về nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu. Triển khai các kế hoạch, biện pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
“Năm 2023 đang đến với nhiều niềm tin và kỳ vọng; nhiều nhiệm vụ quan trọng đặt ra đòi hỏi cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân phải nỗ lực, quyết tâm, đồng lòng, tăng tốc để thực hiện.
Mỗi một Tỉnh ủy viên, Bí thư cấp ủy, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể nêu cao quyết tâm chính trị, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu; quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành; năng động, sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ; tạo sức bật mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, hoàn thành tốt các chương trình, đề án đề ra để sớm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương”, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhấn mạnh.
Bài, ảnh: LÊ THỌ