Giăng dây, rào chắn tạm thời để đảm bảo an toàn trên tuyến tỉnh lộ 14B (đường La Sơn - Nam Đông).
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, trong 36 giờ qua trên địa bàn tỉnh đã có mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa từ tối ngày 1 đến sáng ngày 3/12, phổ biến 150-300mm, có nơi cao hơn như Thuỷ Yên 753mm, Bạch Mã 720 mm, Truồi 680mm, Nam Đông 400mm. Mưa với cường suất lớn làm xuất hiện nhiều điểm sạt lở trên các tuyến giao thông vốn là vùng “trọng điểm” trượt lở núi ở nhiều địa phương đã được dự báo trước.
Ông Trần Bảo Thắng, Chủ tịch UBND xã Hương Phú (Nam Đông) cho biết, mưa lớn từ chiều 2/12 đến nay đã làm xuất hiện nhiều điểm trượt lở mái taluy dương, sạt lở hàm ếch nhiều tuyến đường qua địa bàn xã. Sáng 3/12, chính quyền địa phương đã phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành phân luồng giao thông, rào chắn, căng dây cảnh báo một số điểm trên tuyến tỉnh lộ 14B (đường La Sơn - Nam Đông), đường vào khu vực thác trượt, đường lâm sinh qua địa bàn thôn Xuân Phú.
Những vị trí này với đặc điểm nhiều khe suối nước chảy xiết, địa hình chia cắt khiến đường bị sạt lở mái taluy dương, sạt lở gây xé hàm ếch một số tuyến đường bê tông dẫn vào rừng sản xuất gây nguy hiểm, khó khăn trong việc đi lại của người dân. “Khi xảy ra mưa lớn, xã đã tiến hành di dời 3 hộ dân với 8 nhân khẩu nằm trong vùng sạt lở cao ở thôn Xuân Phú đến nơi an toàn. Trong đó, có một hộ dân đang ở bị sạt lở được di dời khẩn cấp nhằm tránh thiệt hại về người”, ông Thắng cho biết thêm.
Ngoài ra, mưa lớn cũng làm sạt lở mái taluy trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan tại Km 13-200 qua địa bàn huyện Nam Đông - Phú Lộc. Khu vực thị trấn Khe Tre (huyện Nam Đông) mưa lớn cũng làm ngập một số tuyến đường với mức 0,2-0,3m, các lực lượng chức năng đã tiến hành phân luồng, cảnh báo ngập sâu.
Nhiều tuyến đường ở Hương Phú, Nam Đông bị sạt trượt, hở "hàm ếch"
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, đơn vị này đã có thông báo cảnh báo các vị trí có nguy cơ lũ quét, lũ ống, trượt lở đất đá vùng đồi núi, lũ cường suất cao trên địa bàn tỉnh từ ngày 2-5/12. Theo đó, đối với địa bàn huyện Nam Đông, ngoài chú ý các điểm sạt trượt ở mái ta luy dương, cây cối bị ngã đổ, đất đá lấp rãnh dọc và hư hỏng các bốt trực, cống thoát nước trên tuyến La Sơn - Túy Loan, còn đề phòng lũ quét, sạt trượt đất ở các khu vực dân cư ven sườn đồi, sông suối thuộc các xã Thượng Quảng, Thượng Long, Thượng Nhật, Hương Xuân, Thượng Lộ.
Đặc biệt chú ý 9 vị trí có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét khi có mưa lớn kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân, bao gồm 4 vị trí có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở (Tổ dân phố I và II, thị trấn Khe Tre; thôn 5, xã Thượng Long; thôn Đa Phú, xã Hương Phú); có 3 vị trí có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất (thôn Ria Hố, xã Thượng Lộ; thôn 2, xã Thượng Nhật; thôn 1, xã Hương Lộc) và có 2 khu vực dân cư có nguy cơ cao xảy ra lũ quét (thôn Ka Zan, xã Thượng Lộ; thôn Phú Thuận, xã Hương Xuân).
Theo thống kê, trên địa bàn huyện A Lưới có 4 điểm sạt trượt núi, ngập lụt nguy cơ cao trong mùa mưa lũ. Trong đó, 2 điểm trượt lở núi ở xã Phú Vinh và Hồng Thủy là “trọng điểm” cần có phương án xử lý sớm để đảm bảo an toàn. Tại thôn Phú Thành (Phú Vinh) - thuộc khu vực Bốt Đỏ nơi có 32 hộ dân đang sinh sống, tình trạng trượt lở núi ở đây đã diễn ra từ năm 2018 và đến nay đã xuất hiện vết nứt gãy kéo dài trên đỉnh đồi. Cụm dân cư ở đây có nhà cách vị trị sạt lở chỉ vài mét. Thậm chí có hộ gia đình điểm sạt lở nằm sát hồi nhà.
Ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thông tin, đối với huyện A Lưới, các khu vực cần đề phòng trượt lở đất đá đồi núi, các địa bàn dân cư dọc tuyến quốc lộ 49A, đường Hồ Chí Minh qua khu vực đèo Pê ke (xã Hồng Thủy), xã Hồng Kim, đoạn qua địa bàn xã A Roàng đi vào khu vực giáp tỉnh Quảng Nam và khu vực sạt lở phía sau chợ Bốt Đỏ (xã Phú Vinh)…
Đường lâm sinh ở Nam Đông hư hỏng nhiều nơi sau mưa lớn
Đợt này, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cũng yêu cầu các chủ hồ đập, đơn vị quản lý khai thác công trình thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh kiểm tra, phát hiện các điểm nguy cơ sạt lở ven hồ, thượng và hạ lưu công trình đầu mối. Kiểm tra trượt lở ven hồ phía thượng lưu đập dâng, đập tràn, đề phòng đất đá sạt lở mạnh gây sóng lũ và nước hồ dâng đột ngột tràn qua đập gây sự cố công trình.
Theo ông Đặng Văn Hòa, đối với vùng nguy cơ sạt lở, trước mắt, để bảo đảm an toàn cho người dân, yêu cầu địa phương vận động và thực hiện sơ tán tạm thời các hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng đến nơi an toàn mỗi khi đến mùa mưa bão. Tiến hành cắm biển báo tại các khu vực nguy hiểm, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, cũng như tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác ứng phó với sạt lở đất, lũ quét. Về lâu dài, các địa phương triển khai rà soát, xác định những vị trí có nguy cơ sạt lở cao, vùng xung yếu để đề xuất, lên phương án xây dựng và bố trí tái định cư, di dời các hộ ở các vị trí nguy hiểm đến nơi an toàn.
Do mưa cường suất lớn, tập trung ở vùng Bạch Mã, đã làm ngập úng cục bộ các tuyến đường dân sinh từ 0,4-0,5m, 2.860 nhà người dân khu vực huyện Phú Lộc. Chiều tối ngày 2/12, chính quyền địa phương đã tổ chức di dời 1.700 người xen ghép qua các nhà hàng xóm cao hơn để đảm bảo an toàn. Trong đó, xã Lộc Trì 1.700 nhà, thị trấn Phú Lộc 350 nhà, Lộc Thuỷ 280 nhà, Lộc Điền 30 nhà, Lộc An 300 nhà, Lộc Bổn 200 nhà. |
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN