Anh Nguyễn Hải Teo bên đàn lợn mới tách

Trước đây, anh Nguyễn Hải Teo nổi tiếng mát tay với vườn chuối gần 2.000 gốc, giờ đây, người đàn ông Pa Cô này còn triển khai thêm mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ an toàn sinh học.

Nhìn vào trang trại 2ha của gia đình anh Teo, nhiều người không ngớt lời thán phục. Ngoài trại heo hữu cơ còn là hàng chục gốc bưởi da xanh, vườn chuối, sâm Bố Chính. “Họ bám ruộng vườn suốt ngày. Vợ đi dạy về còn phụ thêm chồng. Thứ bảy, hai vợ chồng làm việc quần quật. Thiệt là nể”, một người hàng xóm kể với chúng tôi.

Năm 2020, sau khi UBND huyện A Lưới ký kết hợp tác liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm, gia đình anh được chọn làm mô hình chăn nuôi hữu cơ thí điểm. Anh Teo về trụ sở Tập đoàn Quế Lâm học tập quy trình đào tạo kỹ thuật và thực hành tay nghề chăn nuôi lợn hữu cơ, chế biến thức ăn ở Tổ hợp Chế biến chăn nuôi lợn hữu cơ 4F (Phong Thu, huyện Phong Điền). Anh tự hào trong quá trình học, được tự tay chọn 8 lợn nái hậu bị phối giống, thụ tinh nhân tạo hiệu quả. Người nông dân này xem đây là thành công lớn của bản thân bởi từ trước đến nay, công việc này hoàn toàn phụ thuộc vào thú y địa phương.

Sau khi ký hợp đồng với công ty, vợ chồng anh Nguyễn Hải Teo vay mượn thêm, đầu tư 500 triệu đồng xây dựng chuồng trại theo mẫu nuôi lợn nái, lợn thịt, trang thiết bị hệ thống quạt phun sương… Tháng 8/2021 công ty đưa lợn 8 nái và 60 lợn thịt cho anh Teo nuôi, cấp giấy chứng nhận hữu cơ.

Có kỹ thuật trong tay, anh tự tin chăm nuôi đàn lợn. Đến thời điểm này, gia đình anh xuất được 4 tấn lợn hơi, sản xuất trên 100 lợn con. Tập đoàn Quê Lâm đầu tư đầu vào, giống thức ăn chế phẩm, thu mua đầu ra giá ổn định cao hơn thị trường. Lợn con xuất đạt 13-15kg/con, lợn thịt phát triển tốt… không xả thải gây ô nhiễm môi trường, không dịch bệnh… Thu nhập cao hơn so với cách nuôi đại trà trước đây. Qua từng lứa nuôi, anh Teo áp dụng nông nghiệp tuần hoàn, đưa phân hữu cơ trong chuồng bón trực tiếp cho 1,5ha chuối, bưởi… Cây phát triển cho sản phẩm năng suất cao, không tốn chi phí mua phân hữu cơ. Người đàn ông mê nông nghiệp này còn nuôi ruồi lính đen làm thức ăn bổ sung dưỡng chất vỗ béo lợn con. Anh còn dự kiến sẽ thử nghiệm làm phân hữu cơ cho cây từ ruồi lính đen.

Chăn nuôi và trồng trọt mang lại nguồn thu 120 triệu đồng/ năm, song anh Teo còn ấp ủ nhiều dự định. Anh vẫn rất hăm hở với con đường phía trước, ấp ôm hoài bão mở rộng sản xuất. Từ 25 gốc bưởi da xanh cho thu hoạch vụ đầu tiên sẽ nhân lên thêm vài chục gốc nữa. Vườn chuối gần 2.000 gốc qua hết chu kỳ khai thác sẽ được chặt bớt, chuyển sang trồng sâm Bố Chính, lấy ngắn nuôi dài.

Ông Tôn Thất Thạnh, Thư ký Chủ tịch tập đoàn Quế Lâm nhận xét: “Qua thời gian học tập và theo dõi quá trình sản xuất, tôi thấy Teo là người có khát vọng, chịu khó học hỏi và mạnh dạn đầu tư mô hình mới. Đó là tiêu chí của người nông dân hiện đại, biết làm giàu”.

Đang sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp, gia đình anh đang chờ hướng dẫn và đề xuất ban ngành chức năng tháo gỡ khó khăn để hưởng chính sách ưu đãi Nghị Quyết 20 của tỉnh về phát triển nông nghiệp chất lượng cao. Quan niệm làm nông là không trông chờ ỷ lại: “Phải mạnh dạn tiến lên”, anh Teo hạ quyết tâm.

Anh Nguyễn Hải Teo từng nhận được nhiều giấy khen của xã, huyện, bằng khen về sản xuất nông nghiệp giỏi của tỉnh. Trong mắt của ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, Nguyễn Hải Teo là điển hình cho những con người có cái nhìn tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp. “Dám nghĩ, dám làm và luôn có hướng về mục tiêu mới. A Lưới cần có những con người như vậy mới tạo ra nền nông nghiệp an toàn, bền vững, giá trị cao”, ông Ngưm nói.

Bài, ảnh: Linh Tuệ