Ô tô tại một trạm sạc dành cho xe điện ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh minh họa: TTXVN
Cụ thể, một báo cáo mới từ IEA cho thấy, cuộc xung đột nói trên đã thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách và người tiêu dùng cắt giảm việc sử dụng năng lượng, dẫn đến các khoản đầu tư kỷ lục vào những biện pháp hiệu quả năng lượng, chẳng hạn như cải tạo các tòa nhà, cơ sở hạ tầng dành cho giao thông công cộng, và ô tô điện.
Giám đốc Điều hành IEA, ông Fatih Birol cho rằng, sau cú sốc giá dầu trong những năm 1970, các Chính phủ đã thúc đẩy “những cải tiến đáng kể” về hiệu quả năng lượng, đặc biệt là trong ô tô, các thiết bị và tòa nhà.
"Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, chúng ta đang chứng kiến những dấu hiệu cho thấy hiệu quả năng lượng một lần nữa được ưu tiên. Hiệu quả năng lượng là điều cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng hiện tại, với tiềm năng to lớn giúp giải quyết những thách thức về khả năng chi trả năng lượng, an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu”, ông Fatih Birol lưu ý.
Theo nghiên cứu của IEA, các Chính phủ, ngành công nghiệp và các hộ gia đình đã đầu tư ở mức kỷ lục 560 tỷ USD trong năm nay vào các biện pháp hiệu quả năng lượng.
Dữ liệu sơ bộ của IEA cho năm 2022 cũng chỉ ra, nền kinh tế toàn cầu đã sử dụng năng lượng hiệu quả hơn 2% so với năm 2021, và gần gấp đôi tỷ lệ được ghi nhận trong 5 năm qua. Bên cạnh đó, cơ quan này cho biết thêm, các cải tiến hàng năm sẽ cần tăng lên mức 4% nhằm đáp ứng các mục tiêu khử carbon vào giữa thế kỷ này.
Ngoài ra, IEA cũng nhận định, nếu các xu hướng hiện tại tiếp tục được cải thiện, thì năm 2022 “có thể sẽ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng” đối với hiệu quả năng lượng, những phát triển trong năm nay đã “thay đổi động lực của các thị trường năng lượng trong nhiều thập kỷ tới”.
Sáng kiến gần đây của các Chính phủ nhằm tăng cường hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà, ô tô và công nghiệp bao gồm các bộ luật pháp ở châu Âu, Nhật Bản và Mỹ.
Cũng theo IEA, hiện nay, cứ 8 chiếc xe ô tô bán ra trên toàn cầu thì có 1 chiếc là xe điện. Bên cạnh đó, các quy tắc xây dựng cũng đang được cập nhật trên toàn thế giới, trong khi nhận thức về hiệu quả năng lượng của người tiêu dùng đang ngày càng tăng.
Đáng chú ý, ở khu vực Đông Nam Á, tất cả các Chính phủ đều đang phát triển chính sách để làm mát hiệu quả, điều mà IEA khẳng định là “rất quan trọng đối với khu vực có một trong những tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện nhanh nhất”.
Trong khi đó, doanh số bán máy bơm nhiệt toàn cầu được dự báo sẽ đạt mức kỷ lục vào năm 2022; do nhu cầu tăng cao ở khu vực châu Âu, nơi dự kiến gần 3 triệu máy bơm nhiệt sẽ được bán ra trong năm nay, tăng từ mức 1,5 triệu máy hồi năm 2019.
Thanh Ngân (Lược dịch từ AFP)