Các tổ chức tài chính là những mắt xích quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế. Ảnh minh họa: The NGP/Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
“Giai đoạn phục hồi sau đại dịch là cơ hội để hướng tới thị trường tài chính trong nước linh hoạt hơn, hợp tác tài chính khu vực mạnh mẽ hơn, cũng như thực hiện các chương trình và chính sách cải cách mạnh mẽ để huy động tiết kiệm địa phương và tài chính của khu vực tư nhân”, Tổng Giám đốc Vụ Đánh giá Độc lập (IED) Emmanuel Jimenez cho biết.
Được biết, các quốc gia thành viên đang phát triển của ADB cần tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và hỗ trợ cho các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Cam kết của các nước theo Thỏa thuận Paris 2015 đã đè nặng thêm áp lực lên lĩnh vực tài chính trong việc tham gia nhiều hơn vào tài chính xanh và biến đổi khí hậu.
Tổng Giám đốc Emmanuel Jimenez cho biết thêm rằng ADB, ngoài việc cung cấp tài chính, chính sách và hỗ trợ kỹ thuật để giúp các nền kinh tế giải quyết những thách thức trước mắt, ngân hàng cũng giúp các nước nâng cao cơ hội phục hồi tài chính bền vững hơn thông qua phát triển thị trường vốn dài hạn.
Báo cáo của Ngân hàng ADB chỉ ra rằng, các tổ chức tài chính là những mắt xích quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế bởi hành động của họ có tác động xuyên suốt đến tất cả các ngành, lĩnh vực và hoạt động kinh tế.
Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng một lĩnh vực tài chính đa dạng và được vận hành hiệu quả là trọng tâm của sự ổn định tài chính, tăng trưởng kinh tế và phân bổ hiệu quả các nguồn vốn. Trưởng nhóm đánh giá Paolo Obias cho biết: “Với sự gia tăng bất bình đẳng và khó khăn trong tiếp cận tài chính, tài chính kỹ thuật số và công nghệ tài chính sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện các dịch vụ của ngành tài chính”.
Đan Lê (Lược dịch từ ADB)