Cá thác lác được đánh giá có tiềm năng tại mặt nước một số địa phương ở Hương Thủy

Chuyện này cách đây đã hai năm, ý tưởng xây dựng chuỗi giá trị từ cá thác lác được khởi xướng khi tình trạng các loại cá khác chết trắng mặt nước khi “trời trở gió”. Những người làm thủy sản ở Hương Thủy khi ấy định hướng xây dựng một thương hiệu cá thác lác trên sông Đại Giang với các sản phẩm như, cá tươi sống, chả cá, cá chân không…, triển khai tại 3 địa phương là phường Thủy Lương, xã Thủy Tân, Thủy Phù.

Có hơn 20 hộ dân tham gia, với sự hỗ trợ con giống đến từ chính quyền địa phương. Người nuôi tỏ ra tự tin vì trước khi có đề án này, trong lồng nuôi của họ cũng đã có cá thác lác. Lý do khan hiếm nguồn giống khiến họ không thể thả nuôi đại trà.

Người nuôi đánh giá, so với các loại cá khác, nhu cầu ô xy cho thác lác thấp hơn, sức chống chịu thời tiết cũng tốt hơn, giá trị kinh tế cũng cao hơn. “Khi trái gió trở trời, cá lồng chết hàng loạt nhưng cá thác lác vẫn sống”, ông Nguyễn Thành (thôn Hòa Phong, xã Thủy Tân) nói.

Những dữ liệu trên cho thấy, ở mặt nước sông Đại Giang, thác lác rất có tiềm năng, và cũng có thể xem định hướng của những người làm thủy sản ở Hương Thủy khá triển vọng.

Đánh giá lại mô hình thời điểm ấy, ông Lê Bá Lam, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX. Hương Thủy cho biết, sau khi triển khai, mô hình có những thành công nhất định, thác lác được nuôi đại trà và một phần tạo ra giá trị kinh tế.

Mặc dù vậy, sau hai năm, con cá thác lác vẫn chỉ dừng ở tiềm năng, chứ không thực sự vươn xa, trở thành các sản phẩm như kỳ vọng.

Trở lại nơi từng có dự án hỗ trợ giống, mật độ thả nuôi cá thác lác tại mặt nước này đã không như kỳ vọng. Ông Thành tiếc rẻ nhưng vì nhiều lý do và dự án chỉ thành công trong thời gian ngắn. Mổ xẻ nguyên nhân, ông Lê Bá Lam bảo rằng, vẫn còn thiếu quy hoạch các lồng cá khiến mật độ dày đặc, thời tiết biến đổi thất thường, các loại cá khác của người dân chết hàng loại khiến họ khó khăn. “Thực tế, từ đề án nuôi cá thác lác, người dân được các cấp chính quyền hỗ trợ nhiều về chính sách và công nghệ. Tuy nhiên, việc chuyển giao công nghệ chưa được tốt, phía người dân chưa thể tiếp cận được khiến quy trình nuôi bị ảnh hưởng”, ông Lam nói.

Vậy quy trình, công nghệ này là gì? Đó là theo những khuyến cáo của cơ quan chức năng, người dân nuôi theo hướng lồng cách lồng, trang bị máy sục oxy; dùng máy hút hoặc đánh để bùn phân hủy, trôi theo nước ở đáy lồng nhằm vệ sinh lồng nuôi…Đó chỉ là một phần trong một quy trình nuôi bài bản. Và vấn đề là người dân chưa thể tiếp cận.

Bây giờ, khoảng hơn 100ha mặt nước ở Hương Thủy được sử dụng để nuôi trồng thủy sản. Khi người nuôi cá lồng trên sông Đại Giang liên tục gặp sự cố, họ đã dè dặt hơn. Tuy nhiên, cá thác lác dù ít dù nhiều vẫn còn hiện diện trong lồng nuôi.

Trong một lần trao đổi về nuôi trồng thủy sản, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phan Thị Thu Hồng bảo, xoay chuyển nhận thức lẫn kiến thức chuyên môn của người nuôi là điều quan trọng nhất.

Chủ trương chuyển đổi các loại cá lồng sang cá thác lác ở Hương Thủy để hướng đến xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chưa hẳn đã thất bại, bởi loại cá này vẫn còn dư địa lẫn tiềm năng. Điều cần làm trước tiên có lẽ là tìm cách hỗ trợ, nâng cao kỹ năng của người nuôi.

Bài, ảnh: L.Thọ