Bệnh viện Tâm thần Huế 5 năm qua không tuyển dụng được bác sĩ chuyên khoa khiến đơn vị khó triển khai kỹ thuật mới (Trong ảnh: Bệnh nhân đến khám tại BV Tâm thần Huế)

Thiếu bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa

 Báo cáo của Sở Y tế cho thấy, trong khoảng thời gian dài, việc tuyển dụng của ngành này rất khó khăn. Giai đoạn 2017-2021, số bác sĩ tuyển dụng được khoảng 80 bác sĩ (BS), trung bình mỗi đợt tuyển dụng đạt khoảng 32,58% so với nhu cầu. Số BS tuyển dụng hàng năm chỉ đáp ứng được 44,69% so với số BS bỏ việc, thôi việc, nghỉ hưu theo chế độ là 180 người. Từ năm 2023-2030, dự kiến có 200 BS nghỉ hưu theo chế độ, việc dự kiến nhân lực BS trong thời gian tới là vấn đề cần đặt ra.

BSCK II Lê Quang Hiệp, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) TX. Hương Trà cho hay, từ 2015 trung tâm không tuyển được BSĐK. Chỉ có 2 BS chuyên khoa ngoại, 1 người ở liên chuyên khoa nên ảnh hưởng đến việc triển khai phẫu thuật. Trong đợt tuyển dụng này, TTYT TX đăng ký 11 chỉ tiêu, trong đó có 11 BS đa khoa (ĐK).

Ở một góc nhìn khác, với điều kiện đặc thù, ThS. BS Hồ Dũng, Giám đốc Bệnh viện (BV) Tâm thần Huế cũng tâm tư khi 5 năm qua không tuyển dụng được BS chuyên khoa (CK). Điều này khiến đơn vị không triển khai được kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu (một phần các kỹ thuật mới này chưa có giá của Bộ Y tế). Giải pháp của BV là hợp đồng lại với BS về hưu theo mức lương thỏa thuận nhằm phục vụ hoạt động khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu người dân.

Việc thiếu bác sĩ, nhất là BS đa khoa, BS có trình độ chuyên môn sau đại học và chuyên môn sâu tác động đến chất lượng triển khai cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cho Nhân dân ở tất cả các tuyến và các bệnh viện chuyên khoa. Một cán bộ y tế nhẩm tính, lương 1 BSĐK cộng phụ cấp các khoản bây giờ khoảng 4 triệu đồng, trong khi nếu công tác tuyến huyện họ phải lo chi phí đi lại, ăn trưa hàng tháng. Để được ký vào sổ khám bệnh, người này phải trải phải qua 18 tháng thực hành nữa. Vì thế, nếu các đơn vị tư nhân trả lương cao hơn, BSĐK sẽ theo sức hút thu nhập mà “đầu quân”.

Các TTYT tuyến huyện đang thiếu bác sĩ đa khoa (Trong ảnh, điều trị cho bệnh nhân nội trú tại Trung tâm Y tế Quảng Điền)

Theo PGS. TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế, thống kê của Công đoàn Ngành Y tế Việt Nam thu nhập, môi trường làm việc áp lực, môi trường làm việc, chính sách đãi ngộ tác động rất nhiều đến việc tuyển dụng BS… Trong khi đó, các phòng khám, bệnh viện tư nhân ra đời có chính sách tiền lương hấp dẫn; các BV đa khoa tuyến trung ương, tuyến bộ ngành, hệ thống y tế tư nhân với trang thiết bị hiện đại tạo ra “lực hút” khiến nguồn nhân lực chất lượng quyết định lựa chọn làm việc tại các cơ sở y tế này. Trong khi đó, cơ sở trang thiết bị y tế xuống cấp; chính sách thu hút của tỉnh và các đơn vị sự nghiệp công lập thực sự hấp dẫn các sinh viên và BS có chuyên môn cao… Đó là những lý do được nhìn nhận, phân tích khiến tình trạng thiếu nhân lực BS luôn thường trực.

Đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh kế hoạch phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2010-2015, 2015-2020. Qua đó, đã cử đi đào tạo gần 1.200 người có trình độ đại học, tiến sĩ, BSCK cấp II, BSCK cấp I, thạc sĩ. Đề án “Chính sách thu hút nguồn nhân lực bác sĩ cho ngành y tế Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2023-2025” kỳ vọng sẽ tạo ra đòn bẩy trong nâng cao chất lượng đội ngũ BS. Phạm vi áp dụng dành cho các cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế.

PGS. TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế cho biết, Sở tham mưu đề án đã có sự tham khảo chính sách ở một số tỉnh, thành đã triển khai, kế thừa một số thành tựu ở các giai đoạn trước, bám sát thực tiễn điều kiện của tỉnh. Đề án bao gồm tăng số lượng bác sĩ làm việc ở các cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở y tế; hoàn thiện cơ chế chính sách; Tăng cường công tác chuyên môn; Phát huy thế mạnh từng cơ sở y tế để phát triển những kỹ thuật mới đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.

Có 5 đối tượng cần được thu hút: Giáo sư, Phó Giáo sư; Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II; Thạc sĩ bác sĩ, Bác sĩ nội trú, Bác sĩ chuyên khoa I; Bác sĩ đa khoa đào tạo hệ 6 năm đến công tác tại cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh, huyện, thị xã, TP. Huế; BSĐK đào tạo hệ 6 năm đến công tác tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn. Theo rà soát, dự kiến trong 3 năm từ 2023-2025, sẽ thu hút khoảng 120-150 BS, theo đó kinh phí hỗ trợ khoảng 45,5 tỷ đồng được chi trả trong 5 năm.

 BSCK II Lê Quang Hiệp, Giám đốc Trung tâm Y tế TX. Hương Trà cho rằng, với các chính sách ưu đãi từ Đề án nói trên và phụ cấp y tế thay đổi theo Nghị quyết của Quốc hội, hy vọng sẽ có nhiều bác sĩ về tuyến huyện. Sau khi có BSĐK về, trung tâm sẽ được cử đi học chuyên khoa, nâng cao hoạt động khám chữa bệnh tại địa phương.

Qua trao đổi, PGS. TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế kỳ vọng, Đề án được thông qua sẽ thu hút BSĐK, BSCK đang thiếu. Sau khi thu hút được, ngành sẽ có sự đồng hành với cán bộ y tế, giúp họ bồi dưỡng, phát triển chuyên môn nghiệp vụ để họ có thu nhập ổn định, chuyên tâm với công việc, cống hiến cho ngành. Sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, hỗ trợ của các cấp chính quyền, đoàn thể đối với ngành y tế qua các chính sách giúp ngành thực hiện thắng lợi công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân …

Việc xem xét, thông qua tờ trình và dự thảo Nghị quyết về “Chính sách thu hút nguồn nhân lực bác sĩ cho ngành y tế Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2023-2025” tại kỳ họp HĐND tỉnh kỳ này cho thấy tính chủ động trong giải quyết vấn đề phát sinh từ thực tế. Điều này cũng góp phần thực hiện mục tiêu tỷ lệ 13-14 bác sĩ/vạn dân mà Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Theo dự thảo Chính sách thu hút nguồn nhân lực bác sĩ cho ngành y tế, đối tượng sau khi được tuyển dụng hoặc tiếp nhận vào các cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế, được hưởng chế độ hỗ trợ cao nhất dự kiến là 300 triệu đồng/năm, thấp nhất là 35 triệu đồng/năm, căn cứ vào trình độ đào tạo và nơi làm việc. Thời gian được hưởng trợ cấp là 5 năm. Kinh phí thực hiện chính sách được đảm bảo từ nguồn ngân sách của tỉnh.

Bài, ảnh: Linh Tuệ