Ngành nông nghiệp Việt Nam đúng là… bấp bênh.

Nhìn trên mặt báo, cứ lâu lâu là thấy mấy chữ: “giải cứu”, “kêu cứu”. Nói về cảm xúc, khi nghe những từ này có một cảm giác rất bất an!

Hiện tại là “cứu giá thịt heo”.

Kêu thì kêu, nhưng có vẻ như mọi sự giải cứu đều mang tình hình thế và chẳng đi đến đâu. Chẳng qua là giải quyết được một vài khó khăn trước mắt nhưng đâu rồi lại hoàn đấy. Như thời gian vừa rồi, mặt hàng cam ở Nam Đông phải dùng đến giải pháp “hành chính” và tình cảm để tiêu thụ giúp cho bà con.

Nuôi lợn nạc hữu cơ ở Phong Điền. Ảnh: HẢI TRIỀU

Có thể nói, bản chất của nông nghiệp là bấp bênh. Mà cũng phải thôi, bởi nó phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố. Người làm nông nghiệp sử dụng nhiều yếu tố đầu vào nhưng dường như chẳng mấy yếu tố là chủ động được. Lại còn ảnh hưởng đến một yếu tố khác bao trùm hơn là thời tiết. Ở chiều ngược lại, yếu tố đầu ra cũng chẳng được chủ động bởi một thị trường không đo đếm được một cách tốt nhất đầy đủ sức cung và cầu. Người làm cứ làm, lúc nào thị trường bị hụt thì được giá. Khi nào thị trường thừa hoặc gặp một yếu tố bất lợi nào khác thì giá sụt giảm. Mà giả sử như có những cảnh báo nào đó về mặt thị trường thì chưa chắc người sản xuất đã nghe.

Việc bảo quản, lưu kho, chế biến sau thu hoạch thì không được tiến hành tốt.

Giải quyết rốt ráo các vấn đề này là không hề dễ, nên có thể nói, những từ “kêu cứu”, “giải cứu” có thể khẳng định chắc chắn là nó sẽ vẫn còn lặp lại!

Trở lại vấn đề thời sự hiện tại là giá thịt heo đang thấp, người chăn nuôi lo lắng, những nhà quản lý thì “quan ngại” trước tình hình này. Nhưng làm sao để giải quyết thì chưa thể biết được.

Một vấn đề cần khẳng định là thị trường vẫn tiêu thụ thịt với số lượng không hề nhỏ. Tức là có thể không phải sức cầu yếu. Bằng chứng cho việc này là thịt lợn bán ra giá giảm chứ không phải không tiêu thụ được. Một vấn đề khác được nhìn nhận, là thịt lợn được nhập khẩu với số lượng lớn làm cho thị trường của ngành sản xuất trong nước bị thu hẹp. Theo số liệu thống kê của ngành hải quan, 11 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt khá lớn, 1,37 tỷ USD, tăng 5,7%. Trong khi giá bán ra hạ thì các yếu tố đầu vào lại tăng như thức ăn chăn nuôi, thú y.

Qua thực tế nêu trên chúng ta thấy được mấy điều: ngành chăn nuôi trong nước vẫn đang trong tình trạng cạnh tranh yếu, rất dễ bị ảnh hưởng khi hàng ngoại gia tăng sức cạnh tranh. Mới đây thôi, ngành lúa gạo cũng phát ra cảnh báo là gạo nhập khẩu nhiều, gần 1 triệu tấn trong năm 2021 làm ảnh hưởng đến ngành này trong nước. Chúng ta đã mở cửa hội nhập sâu, không còn cách nào khác là phải cạnh tranh. Trừ khi có những cam kết về hạn ngạch và lộ trình dỡ bỏ. Còn sử dụng các biện pháp mang tính kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu thì không phải chỉ một mình chúng ta sử dụng mà cũng có thể các nước sẽ sử dụng. Cho nên, về lâu dài không có con đường nào khác là tính toán các yếu tố để tăng sức cạnh tranh của ngành.

Sự hỗ trợ của Nhà nước, nếu được sử dụng là thông qua chính sách mang tính vĩ mô để phát triển ngành, chứ khó có thể hỗ trợ trực tiếp về giá như một số kiến nghị. Đó là tạo điều kiện phát triển khoa học kỹ thuật, tạo quỹ đất phát triển vùng chăn nuôi, phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho ngành sản xuất thức ăn; phát triển mạnh ngành thú y, thuốc thú y để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm… Chúng ta cần đặt một lộ trình để dần tự chủ (càng nhiều càng tốt) các yếu tố đầu vào như chế biến thức ăn, thuốc thú y chẳng hạn. Chứ thứ gì cũng nhập khẩu, thứ gì cũng sử dụng hàng ngoại thì lấy đâu tăng được tính cạnh tranh?

NGUYÊN LÊ