Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong buổi họp báo nhân chuyến thăm đến Seoul của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Chính phủ

Trong đó, các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc và Việt Nam đã nhất trí đưa mối quan hệ tiến lên một tầm cao mới tại hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại Seoul vào đầu tuần này, trong bối cảnh Hàn Quốc - nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, đẩy mạnh nỗ lực mở rộng phạm vi hoạt động, tiến đến thâm nhập sâu hơn vào thị trường Đông Nam Á.

Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ ngày 4/12, lần đầu tiên diễn ra sau 11 năm, là điểm nổi bật mới nhất trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhằm giảm sự phụ thuộc kinh tế vào các đối tác thương mại lớn nhất và vun đắp quan hệ thương mại ở Đông Nam Á, nơi Hà Nội đóng vai trò liên kết quan trọng.

Quyết định nâng cấp mối quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam 30 năm tuổi từ quan hệ đối tác chiến lược lên thành “Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện” - cấp độ cao nhất để công nhận mối quan hệ song phương - đã đánh dấu một kỷ nguyên hợp tác mới giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc, được dẫn dắt bởi các vấn đề kinh tế, an ninh và xã hội sâu sắc hơn...

“Trong 30 năm qua, Hàn Quốc và Việt Nam đã nỗ lực xây dựng mối quan hệ dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, đồng thời đón nhận những tiến bộ đáng kể trong thương mại và đầu tư song phương. Chúng tôi dự định mở ra một kỷ nguyên mới bằng cách bắt tay vào mối quan hệ đối tác mới này, nhờ những thành tựu đã đạt được tính đến ngày hôm nay”, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol chia sẻ trong tuyên bố.

Quan hệ hai nước dưới góc nhìn của Đại sứ

Là Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, bà Oh Young-ju cho biết, khi Hàn Quốc lần đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam cách đây 30 năm, không nhiều người đặt kỳ vọng vào mối quan hệ non trẻ này và tin rằng mối quan hệ có thể phát triển trong tương lai. Song giờ đây, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của Hàn Quốc, hay còn gọi là “điểm nóng ngoại giao” của nước này.

Theo bà Oh Young-ju, Việt Nam đang có vai trò và ảnh hưởng đặc biệt với tư cách là một cường quốc tầm trung. Đối với Hàn Quốc, quốc gia đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng chính trị, kinh tế và văn hóa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và không có đối tác nào tốt hơn Việt Nam. Hàn Quốc là nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam, tính đến tháng 9/2022 đã đầu tư tổng cộng 80 tỷ USD. Cùng lúc, Việt Nam cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Hàn Quốc, sau Trung Quốc và Mỹ. Riêng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam đạt 56,7 tỷ USD.

Cho đến nay, khoảng 9.000 doanh nghiệp lớn, nhỏ của Hàn Quốc đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Các tập đoàn lớn như Samsung, Huyndai, Daewoo và Lotte hiện đang có các siêu dự án tại Việt Nam, bao gồm Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Samsung Electronics tại Hà Nội, dự kiến khai trương vào cuối tháng này.

Ngoài lĩnh vực kinh doanh và thương mại, Hàn Quốc và Việt Nam cũng chia sẻ những lợi ích thực sự trong lĩnh vực văn hóa, xã hội và con người của nhau. Điều này được thể hiện rõ nhất khi Trường Quốc tế Hàn Quốc Hà Nội là trường quốc tế Hàn Quốc được ủy quyền lớn nhất trên thế giới. Có tổng cộng 53 trường đại học trên khắp Việt Nam có đào tạo khoa tiếng Hàn. Điều này khiến hoạt động tương tác giữa hai nước trở nên tích cực hơn.

Hàn Quốc gần hơn với ASEAN

Sau cuộc họp hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, tại cuộc họp báo chung, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol chia sẻ: “Việt Nam là đối tác cốt lõi trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hàn Quốc và Sáng kiến Đoàn kết Hàn Quốc - ASEAN”.

Được biết, khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đến Campuchia vào tháng 11 để tham gia các hội nghị thượng đỉnh, ông đã vạch ra chiến lược mới để gắn kết với Đông Nam Á, kế hoạch mà chính phủ của ông đã dành 6 tháng để phát triển. Trong đó, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của ông phản ánh tầm nhìn về một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” mà với Hàn Quốc, nước này đặt mục tiêu xây dựng khu vực đề cao giá trị phổ quát.

Khác với người tiền nhiệm, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tìm cách mở rộng đầu tư Hàn Quốc, hiện chủ yếu tập trung ở Việt Nam và Singapore và mở rộng ra phần còn lại của khu vực Đông Nam Á theo tầm nhìn ASEAN - Hàn Quốc của mình.

Seoul coi Indonesia là thị trường lớn tiếp theo sau Việt Nam, cùng với đó, lãnh đạo Hàn Quốc cũng triển khai nhiều hoạt động với các đối tác trong khu vực ASEAN. Cụ thể, trong cuộc họp với Thủ tướng Campuchia Hun Sen diễn ra vào tháng 11, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã đồng ý tăng gấp đôi hỗ trợ kinh tế cho nước này lên 1,5 tỷ USD. Ông cũng thảo luận phương án “xuất khẩu” các nhà máy điện hạt nhân của Hàn Quốc sang Philippines với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr.

HẠNH NHI

(Tổng hợp và lược dịch từ Yonhap, Korea Herald & Nikkei)