Gỡ khó vướng mắc về quy hoạch

Công tác quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt làm ảnh hưởng đến thu hút đầu tư và triển khai các dựu án

Liên quan đến công tác quy hoạch (QH) làm ảnh hưởng đến thu hút đầu tư (ĐT), theo Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Đại Vui, việc kêu gọi các DA đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương ĐT, chấp thuận nhà ĐT, đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà ĐT phải phù hợp với nhiều loại QH khác nhau.     

“Theo quy định của Luật QH, các QH ngành sẽ được tích hợp vào QH tỉnh, tuy nhiên đến nay, QH tỉnh chưa được phê duyệt nên ảnh hưởng đến kêu gọi ĐT. Hiện nay, các QH ngành hầu hết đã kết thúc thời kỳ QH, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho phép kéo dài, điều chỉnh các QH ngành đến khi QH tỉnh được phê duyệt”- ông Vui cho biết.

Đối với QH xây dựng và QH đô thị, đến nay tỷ lệ phủ kín quy QH chung xây dựng đô thị đạt 100%; tỷ lệ phủ kín QH phân khu so với diện tích đất xây dựng đô thị đạt 62,25%; QH chi tiết 1/500 toàn tỉnh đạt 15,4%; tỷ lệ phủ kín QH chung xây dựng xã đạt 100%. Tuy nhiên đối với các khu chức năng, thiết chế văn hóa, theo quy định chưa được lập QH chung hoặc QH phân khu cũng ảnh hưởng nhiều đến việc kêu gọi và thực hiện DA.

UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo lập QH tỉnh, QH chung đô thị tỉnh và các Tổ công tác giúp việc nhằm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt các loại QH trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thành lập 4 Tổ công tác giám sát, quản lý các DA đầu tư để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các DA ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh.

Thông tin về tình hình đầu tư ngoài ngân sách đến 2022, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Đại Vui cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có tổng số 367 DA, tổng vốn ĐT 163.345 tỷ đồng. Riêng trong 11 tháng năm 2022, toàn tỉnh đã quyết định chấp thuận chủ trương ĐT cho 34 DA cấp mới với tổng vốn ĐT đăng ký cấp mới đạt 14.251 tỷ đồng. Trong năm đã khởi khởi công 16 DA, 14 DA đi vào hoạt động góp phần tăng thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Tuy nhiên, việc kêu gọi và triển khai ĐT các DA ngoài ngân sách trên địa bàn còn gặp một khó khăn, vướng mắc. Đến nay có 148/246 DA đang kêu gọi ĐT chờ quy hoạch để lập thủ tục chấp thuận chủ trương ĐT và một số DA đã được chấp thuận chủ trương ĐT. Trong đó, vướng mắc về công tác QH là một trong những nguyên nhân quan trọng làm chậm tiến độ trong triển khai thực hiện DA và kêu gọi ĐT.

Thu hút nhân lực y tế và giáo dục

Ba năm qua đã có 58 bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên thuộc Sở Y tế quản lý nghỉ việc, bỏ việc. Ảnh: TH

Liên quan đến tình trạng dịch chuyển nhân lực y tế từ công sang tư, Giám đốc Sở Y tế Trần Kiêm Hảo cho biết, ngành y tế tỉnh giải quyết một số trường hợp xin thôi việc, tuy nhiên những trường hợp xin thôi việc với lý do hoàn cảnh gia đình, đoàn tụ gia đình hoặc chuyển sang hoạt động ngành nghề khác. Trong ba năm 2020-2022, toàn ngành Y tế công lập trực thuộc Sở Y tế quản lý, có 58 nhân viên y tế bỏ việc hoặc xin thôi việc.

Để khắc phục hạn chế này, theo ông Trần Kiêm Hảo, ngành y tế có giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường hoạt động y tế cơ sở; đầu tư nâng cấp 31 Trạm Y tế, thực hiện các chế độ chính sách kịp thời để động viên cán bộ, mở rộng các dịch vụ y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh và phát triển các mô hình Bác sĩ gia đình, triển khai các dịch vụ chuyên ngành: ngoại khoa, sản khoa, HSCC, Phẫu thuật tạo hình…

Đồng thời, ĐT phát triển trung tâm y tế theo hướng cụm điểm; củng cố hoạt động phòng khám đa khoa khu vực. Tham mưu UBND tỉnh thực hiện đề án thu hút nguồn nhân lực. “Chính vì vậy đã ổn định nguồn nhân lực công trong thời gian vừa qua, số lượng nhân lực từ công sang tư không có biến động lớn như đã nêu”.

“Để tạo môi trường làm việc tốt, trong thời gian tới Ngành y tế tiếp tục phát triển y tế cơ sở và các chuyên ngành, tiếp tục phối hợp y tế Bộ Ngành, để nâng cao phát triển chuyên môn; cùng với đề án thu hút nhân lực bác sĩ nếu được phê duyệt, Ngành y tế hy vọng trong thời gian đến sẽ ổn định và phát triển xứng tầm với Trung tâm y tế chuyên sâu”- ông Trần Kiêm Hảo khẳng định.

Liên quan đến thực trạng thiếu giáo viên, Giám đốc Sở Nội vụ Bạch Chơn Đông thông tin, hiện khối mầm non thiếu 177 giáo viên, khối tiểu học thiếu 79 giáo viên. Trong ngành Giáo dục vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các môn học, giữa các cấp học, giữa các địa bàn; việc cân đối giữa nhu cầu biên chế giáo viên và việc thực hiện cắt giảm trong thời gian đến là rất khó khăn do quy định mới của Bộ Chính trị về cắt giảm biên chế.

Ngành giáo dục sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên đảm bảo phù hợp, cân đối giữa các Trường trong từng địa phương, giữa các địa phương trong tỉnh. Các địa phương tiếp tục triển khai kế hoạch tuyển dụng giáo viên để đáp ứng yêu cầu năm học 2022-2023 trên địa bàn. Đồng thời, Sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục. Xây dựng lộ trình giao tự chủ từng phần, hướng đến tự chủ toàn bộ ở các cơ sở có điều kiện; thực hiện phương án chuyển đổi mô hình Trường mầm non công lập sang tư thục ở những nơi có điều kiện xã hội hóa.

Kết luận phiên chất vấn, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu đánh giá, phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sôi nổi, cơ bản đáp ứng được mục đích, yêu cầu đề ra. Các đại biểu tham gia chất vấn và người được trả lời chất vấn đều thể hiện được tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn và cầu thị. Nhìn chung, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn mang tính xây dựng. Đồng thời, mong muốn các đại biểu tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực nêu vấn đề và tham gia chất vấn tại các kỳ họp tiếp theo.

THÁI BÌNH