Bà Maria Fatima Phumbe, Tham tán toàn quyền, Đại sứ quán nước Cộng hòa Mô-dăm-bích bày tỏ sự vinh dự khi tham dự ngày hội phở

Các vị khách được trải nghiệm và thưởng thức các quán phở đại diện cho phở của từng vùng miền, như: Phở Vượng đại diện phở miền Bắc; phở xưa Nam Định đại diện phở Nam Định; phở H’Mông đại diện phở vùng cao; phở 34 Cao Thắng đại diện cho phở miền Nam; phở Hoa Hồi Vàng (ở Úc) đại diện cho phở Việt Nam ở nước ngoài.

Chia sẻ tại sự kiện, bà Lê Thị Thiết - Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Nam Định cho biết đã dành hết tâm huyết bấy lâu nay để giữ hương vị hồn cốt của phở truyền thống. Theo bà, phở đã có nhiều biến tấu để phù hợp với khẩu vị của từng người, tuy nhiên, những hương vị truyền thống mới tạo nên nét văn hóa của phở.

Có mặt sớm nhất tại sự kiện, bà Maria Fatima Phumbe, Tham tán toàn quyền, Đại sứ quán nước Cộng hòa Mô-dăm-bích bày tỏ vinh dự khi tham dự ngày hội phở. Bà nói: "Tôi được biết phở là một món ăn có ý nghĩa rất quan trọng trong văn hóa của người Việt, món ăn rất nổi tiếng của người Việt, nên tôi muốn biết phở được làm ra như thế nào. Tôi ăn phở mấy lần rồi nhưng chưa bao giờ thấy người ta nấu ra sao".

Các đại biểu Ngoại giao đoàn trải nghiệm cách làm một tô phở

Tùy viên văn hóa Đại sứ quán Mỹ Kate Bartlett thì khẳng định trải nghiệm phở lần này là cơ hội để bà tìm hiểu thêm về văn hóa, ẩm thực Việt Nam. Bà chia sẻ: “Phở là một món ăn rất lành mạnh, nhiều dinh dưỡng. Trước khi đến Việt Nam, chúng tôi đã nghe rất nhiều về phở nên chúng tôi rất mong đợi được thưởng thức những tô phở ngon ở Việt nam, và các món ăn khác nữa. Nấu phở cần nhiều thời gian thật đấy. Tôi cho rằng nếu muốn nấu được món này cho đúng, cần phải đầu tư thời gian, thật tập trung, vì có rất nhiều bước. Các nguyên liệu cũng quan trọng nữa. Có lẽ về mặt kỹ thuật phở không quá khó nấu nhưng mà phải đầu tư thời gian và các nguyên liệu đặc biệt. Tôi sẽ thử nấu ở nhà, nhưng tôi nghĩ mình phải thực tập nhiều lần mới nấu được".

Đại sứ Pakistan tại Việt Nam Samina Mehtab thì thổ lộ quê hương bà cũng có những món ăn tương tự phở. Trước khi đến Việt Nam, bà đã nghe rất nhiều về phở nên rất mong đợi được thưởng thức.

Chiều cùng ngày, đoàn ngoại giao đã đến làng Vân Cù (xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) trải nghiệm không gian phở xưa được tái hiện ở khu vực đình làng. Các gian hàng được thiết kế theo phong cách truyền thống, gợi nhớ về gánh phở Vân Cù xưa cũ. Làng Vân Cù được biết đến là cái nôi của nghề phở cả nước. Đây là làng nghề làm phở nhiều nhất, lâu năm nhất và “độc quyền” với món Phở bò.

Tái hiện không gian phở xưa tại Vân Cù

Tại sự kiện này, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam sẽ tôn vinh các nghệ nhân phở truyền thống Vân Cù như một sự tri ân và khẳng định sự tài hoa với ngón nghề làm phở đậm đà hương vị Việt của họ.

Lễ Khai mạc sự kiện Ngày của Phở và Gala vinh danh, trao giải Người nấu phở ngon nhất sẽ diễn ra tại Quảng trường 3 tháng 2 vào ngày mai (11/12). Bên cạnh cơ hội thưởng thức những tô phở chuẩn vị Nam Định được nấu bởi các nghệ nhân truyền thống, khách mời và người dân tham gia sự kiện cũng sẽ được thưởng thức các món phở với hương vị đặc trưng vùng cao như phở H’Mông; phở Hội tụ của miền Nam  và phở Sâm Ngọc Linh ( Phở biến tấu). Được trải nghiệm phở cùng nghệ nhân UNESO Hoàng Minh Hiền - nghệ nhân đầu tiên của Việt Nam được Unesco công nhận là người có công truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống của đất nước Việt Nam; nghe chuyên gia dinh dưỡng Yến Phi nói về dinh dưỡng.

CHU THU HẰNG