Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APRM) lần thứ 17 diễn ra tại Singapore vừa qua. Ảnh minh họa: Ban Đối Ngoại/Báo Lao động
Chính phủ, các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động cũng thống nhất tăng cường nỗ lực nhằm đạt được công bằng xã hội và việc làm bền vững cho tất cả mọi người.
Theo đó, APRM quy tụ đại diện cấp cao của các chính phủ, tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động từ khắp các nước châu Á - Thái Bình Dương và các quốc gia Ả Rập. Cuộc họp diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với thế giới việc làm, khi các khu vực đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm tác động liên tục của đại dịch COVID-19, cộng với đó là các cuộc khủng hoảng lương thực, năng lượng và tài chính toàn cầu.
Tại lễ bế mạc APRM, các đại biểu đã tán thành Tuyên bố Singapore mà Tổng Giám đốc ILO Gilbert Houngbo hoan nghênh là “tầm nhìn chung về ưu tiên của khu vực đối với hành động quốc gia, được thiết lập giữa các thành phần của tổ chức và sự hỗ trợ trong những năm tới”.
Được biết, Tổng Giám đốc ILO Gilbert Houngbo cũng cảm ơn chính phủ Singapore đã tổ chức thành công hội nghị APRM và ca ngợi nỗ lực của các bên tham gia để phát triển và thống nhất “Tuyên bố Singapore”.
“Điều đã gắn kết mọi người với nhau trong tuần này là cam kết của các bên đối với các nguyên tắc đối thoại xã hội và sự cống hiến để cùng nhau hướng tới hiểu biết chung về cách chúng ta có thể làm tốt hơn trong nỗ lực đổi mới công bằng xã hội và đạt được mục tiêu phục hồi lấy con người làm trung tâm”, ông Gilbert Houngbo nhấn mạnh.
“Tuyên bố Singapore” nêu rõ, kể từ APRM cuối cùng diễn ra ở Bali (Indonesia) vào năm 2016, đại dịch COVID-19 đã gây ra một “cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội chưa từng có ở các khu vực”, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, tàn phá các doanh nghiệp và việc làm. Bất chấp những dấu hiệu phục hồi, tiến trình phục hồi vẫn không đồng đều và các cuộc khủng hoảng như thiên tai, khí hậu và giá lương thực, năng lượng tăng mạnh đã tác động lên thị trường lao động.
Trước những thách thức cũng như cơ hội đang nổi lên trên khắp châu Á - Thái Bình Dương và các quốc gia Ả Rập, tuyên bố nêu bật một loạt những ưu tiên hành động ở cấp quốc gia. Nổi bật trong số này là nhu cầu phê chuẩn các công ước cơ bản của ILO và tăng cường hơn nữa năng lực của chính phủ, đại diện người sử dụng lao động và người lao động để thực hiện đối thoại xã hội hiệu quả.
Tuyên bố kêu gọi chính phủ các nước và các đối tác xã hội đảm bảo bảo vệ người lao động thông qua việc thúc đẩy tự do và công nhận hiệu quả quyền thương lượng tập thể.
Đan Lê (Lược dịch từ Khmer Times)