Một trong những tác phẩm ở triển lãm “Tay níu thời gian”. Ảnh: Rei Artspace
Nhân 20 năm ngày mất của họa sĩ Bửu Chỉ, triển lãm tưởng nhớ ông với chủ đề “Tay níu thời gian” diễn ra tại không gian Rei Artspace (371/4 Hai Bà Trưng, quận 3, TP.HCM) chiều 11/12.
Phải rất lâu rồi mới có một cuộc triển lãm của Bửu Chỉ với một số lượng tác phẩm tương đối lớn, với 30 tác phẩm với nhiều chất liệu như sơn mài, vải bố, giấy… nằm trong bộ sưu tập của Rei Artspace cũng như một số tác phẩm được mượn lại từ các nhà sưu tập khác. Một số tác phẩm lần đầu bước ra từ các bộ sưu tập này, hoặc chưa biết Bửu Chỉ đặt tên gì, nên Rei Artspace chủ động đặt tên để tạm nhận diện.
Ngoài các tác phẩm và câu chuyện hội họa của Bửu Chỉ, triển lãm cũng giới thiệu đến công chúng cuốn sách nghệ thuật cùng tên “Tay níu thời gian”, phiên bản giới hạn, gồm tiểu sử của Bửu Chỉ, các tác phẩm và các bài viết về ông.
Cuốn sách một phần nào đó giúp cho độc giả, đặc biệt giới trẻ bước sâu hơn vào cuộc đời, các mối quan hệ cũng như phong cách, nguồn cảm hứng sáng tác của ông.
Nhà sưu tập Đỗ Viết Tuấn - một đại diện của Rei Artspace chia sẻ: “Chúng tôi là những hậu bối, bước vào làng mỹ thuật khi Bửu Chỉ đã rời xa nhân thế từ lâu, nên triển lãm “Tay níu thời gian” được thực hiện với lòng ngưỡng vọng một tài năng, một cá tính riêng. Những vụng về, thiếu sót trong việc thực hiện chắc chắn sẽ có, nhưng hãy vì tình yêu mến dành cho Bửu Chỉ mà chỉ bảo, lượng thứ cho chúng tôi”.
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 4/1/2023.
Họa sĩ Bửu Chỉ sinh năm 1948 tại Huế, tốt nghiệp Đại học Luật khoa Huế 1971, đã nổi tiếng từ trước năm 1975 với loạt tranh bút sắt - mực đen tố cáo tội ác chiến tranh, chế độ lao tù Sài Gòn, kêu đòi hòa bình, độc lập dân tộc. Sau này, ông chuyển sang vẽ tranh sơn dầu và được xem là một họa sĩ tiên phong, giàu cá tính sáng tạo. Ông từng tổ chức nhiều cuộc triển lãm trong, ngoài nước và có tranh trong Viện bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Viện bảo tàng Mỹ thuật Singapore, trong các bộ sưu tập cá nhân ở Mỹ, châu Âu, châu Á… Năm 2017, ông được truy tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật về những đóng góp lĩnh vực mỹ thuật với bộ tranh “Tiếng thét từ lòng đất” bao gồm 7 tác phẩm. |
N. MINH