Giải pháp để nón lá thành sản phẩm du lịch

Thay đổi cách tiếp cận

Nghề làm nón lá hình thành và phát triển ở Huế từ hàng trăm năm nay, với rất nhiều làng nón nổi tiếng như: Dạ Lê, Phủ Cam, Triều Tây, Kim Long, Sịa... Nhưng vị trí của nón trong đời sống dùng để che nắng, che mưa thì lại đang dần mất đi, dù đây là một sản phẩm truyền thống và là một trong những biểu trưng cho vẻ đẹp dịu dàng, thanh lịch của người con gái Huế.

Thời gian qua, nón lá xuất hiện nhiều trong các hoạt động thời trang, trang trí. Tuy vậy, sản lượng nón lá hàng năm vẫn giảm sút mạnh so với trước. Là đơn vị tiếp cận với nón lá đa diện nhất, Ban quản lý chợ Đông Ba thông tin, thị trường tiêu thụ nón lá đang bị mất dần do có sự cạnh tranh các loại nón lá đến từ Quảng Bình, Bình Định... Điều này cho thấy, người bán nón đang đứng trước những khó khăn về nguồn cung cầu, thu nhập thấp và không ổn định.

Hiện nay, sản xuất và kinh doanh nón lá chỉ là những hộ nhỏ lẻ. Để tăng sức mạnh về thị trường và tìm đầu ra, cần tập hợp các hộ kinh doanh sản xuất nhỏ thành các tổ hợp hoặc hợp tác xã, tăng cường mở rộng thị trường tiêu thụ không chỉ trong nước mà còn vươn ra thị trường nước ngoài. Ngoài ra, cần thiết phải có những giải pháp để phát triển bền vững, nâng tầm thương hiệu nón lá; có các giải pháp hỗ trợ nguồn vốn...

Theo các chuyên gia, các sở, ban, ngành, hiệp hội, nhất là các doanh nghiệp du lịch tiếp tục đồng hành và hỗ trợ với Hội Nón lá Huế và những người làm nón trong công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước. Gắn việc quảng bá hình ảnh nón lá Huế với quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử, Áo dài Huế, Festival Huế, tiềm năng, triển vọng phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế.

Mặc áo dài, đội nón lá đi xe buýt 2 tầng thoáng nóc là trải nghiệm mới của du khách khi đến Huế

Xây dựng hình ảnh đặc trưng của du lịch Huế

Hình ảnh người con gái Huế trong tà áo dài tím và chiếc nón bài thơ đã đi vào tâm trí của mỗi người dân xứ Huế và du khách mỗi khi đến Huế. Qua đó, có thể khẳng định và tự hào rằng, nón lá Huế là một trong những sản phẩm đặc sắc của các làng nghề truyền thống ở Huế, có tính biểu trưng cao. Do đó, cần thay đổi tiếp cận khách hàng là những khách du lịch đến để đội nón lá và mua làm quà lưu niệm.

Những năm gần đây, nón lá trở thành mặt hàng lưu niệm được du khách ưa chuộng và gắn với các hoạt động của ngành du lịch, như: các chương trình du lịch cộng đồng, trải nghiệm làng nghề, các chương trình tham quan di tích và đường phố Huế với xích lô, “check-in” tuyến đi bộ ven bờ sông Hương, trên cầu gỗ lim hay cầu bán nguyệt trên sông Hương. Gần đây nhất là sản phẩm trải nghiệm ngắm cảnh Cố đô trên xe buýt 2 tầng, nón lá Huế được đưa vào giới thiệu rộng rãi cho du khách.

Rất nhiều du khách đã về các làng làm nón ở Huế để được trực tiếp trải nghiệm nghề làm nón. Không ít người thực sự bất ngờ và thích thú khi được người thợ nón lưu ảnh, tên của mình trên chiếc nón bài thơ để làm kỷ niệm. Nữ du khách Nguyễn Thị Thanh Huyền đến từ Hà Nội chia sẻ, từ lâu, chị đã ước một lần đến Huế mặc áo dài, đội nón lá để chụp ảnh. Qua chuyến photo tour, album ảnh khiến nữ du khách rất hài lòng.

Là một trong các khách du lịch tàu biển đến Cố đô Huế sau gần 3 năm bị gián đoạn, bà Beatrice Sorbets (Paris, Pháp) rất thích thú khi trực tiếp được khám phá những di sản và văn hóa Huế, với hình ảnh chiếc áo dài Huế, chiếc nón lá đậm nét truyền thống, điều mà trước đây họ chỉ thấy qua phim ảnh.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, cần thiết phải tiến hành khảo sát đánh giá đúng thực trạng, từ đó triển khai từng bước đề án xây dựng mô hình làng nghề mang tính sáng tạo, nhưng vẫn bảo tồn được nghề làm nón thủ công truyền thống. Gắn kết với nhiều hoạt động đa dạng theo thị hiếu tiêu dùng và dịch vụ thương mại, nhằm thu hút khách du lịch của các đơn vị du lịch lữ hành, nhà cung cấp tour, tuyến cũng như khách du lịch cá nhân.

“Thời gian tới, cần ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện số hóa dữ liệu về lịch sử hình thành, phát triển của nón lá Huế. Hình thành trung tâm trưng bày, thao diễn nghề làm nón lá gắn với Trung tâm trưng bày, trình diễn và may đo Áo dài Huế, tạo thành chuỗi sản phẩm văn hóa, du lịch đặc sắc phục vụ khách du lịch. Sở đang chuẩn bị triển khai đề án “Phát triển du lịch nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030”, trong đó có làng nghề nón lá để có định hướng hỗ trợ bảo tồn và phát triển”, ông Phúc cho biết.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG