Trung tâm R&D của Samsung tại Việt Nam dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Chính phủ

Trước khi khai trương trung tâm vào cuối tháng này, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc này đã tổ chức kỳ thi tuyển dụng, được gọi là Global Samsung Aptitude Test, một đợt tuyển dụng lớn hiếm thấy ở cả trong và ngoài nước.

“Khoảng 99% trong số 2.000 nhân viên của trung tâm là các tài năng công nghệ ở địa phương, tốt nghiệp từ các trường ưu tú như Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Bách khoa Hà Nội. Gần một nửa dân số Việt Nam dưới 25 tuổi. Đây là một thị trường hấp dẫn để khai thác sức mạnh của lao động trẻ”, một quan chức của Samsung Electronics Việt Nam trả lời phóng viên báo The Korea Herald cho hay.

Được biết, lực lượng lao động Việt Nam là “xương sống” trong tiến trình sản xuất điện thoại thông minh của Samsung, đặc biệt là Việt Nam chiếm khoảng 50% trong tổng số xuất khẩu điện thoại di động của công ty. Bắt đầu từ TV vào năm 1995, các sản phẩm chính của Samsung như từ điện thoại thông minh, đến màn hình và các thiết bị mạng đều đang được sản xuất tại Việt Nam. Ở Việt Nam, có 4 cơ sở sản xuất của Samsung đang hoạt động.

Trung tâm R&D sắp tới được nhận định là đỉnh cao của cam kết kéo dài hàng thập kỷ của Samsung đối với Việt Nam. Trung tâm dự kiến sẽ đóng vai trò chính trong việc phát triển phần mềm cho điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android và thực hiện công việc nghiên cứu về công nghệ mạng 5G và 6G.

Trung tâm R&D mang ý nghĩa biểu tượng rằng đất nước đang chuyển đổi từ một cơ sở sản xuất thành trung tâm chiến lược, nơi những đổi mới công nghệ quan trọng diễn ra.

Bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế phổ biến trên toàn thế giới, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục chứng kiến đà tăng trưởng. Trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính mức tăng trưởng kinh tế đạt 7,5% vào năm nay, chính phủ Việt Nam kỳ vọng ít nhất sẽ là 8%.

Đáng chú ý hơn là sự tăng trưởng nhanh chóng của lĩnh vực đổi mới với các rào cản pháp lý thấp hơn. Cụ thể, Samsung và Viettel, nhà khai thác viễn thông lớn nhất Việt Nam đã hợp tác để xây dựng cơ sở hạ tầng cho mạng 5G. Hiệp hội Blockchain Việt Nam vừa được thành lập gần đây là tổ chức chính thức đầu tiên xây dựng khung pháp lý cho nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển.

Thêm vào đó, động lực thị trường là sức hấp dẫn địa chính trị của Việt Nam, qua đó thu hút nhiều nhà đầu tư để ý đến thị trường, Hàn Quốc cũng không ngoại lệ. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ trong năm 2022 này, Hàn Quốc và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ song phương lên mức cao nhất là Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Samsung, một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, cũng chứng kiến xuất khẩu từ Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm, khối lượng xuất khẩu tăng 18% lên 343 triệu USD so với cùng kỳ năm 2021. Công ty dường như sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn để tiếp tục mở rộng chỗ đứng của mình tại đất nước.

Hãng tin The Korea Herald cho biết, Samsung Electro-Mechanics, chuyên sản xuất linh kiện của gã khổng lồ công nghệ, có kế hoạch xây dựng một cơ sở sản xuất chất nền tiên tiến cho chip ở Việt Nam, với lô hàng đầu tiên dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 7 sang năm.

Một dự án quan trọng khác là hỗ trợ các công ty địa phương số hóa các cơ sở sản xuất...

Nhờ không ngừng nỗ lực nâng cấp phúc lợi cho nhân viên bản địa, Samsung mới đây đã đứng dầu danh sách Xếp hạng Thương hiệu Tốt nhất Toàn cầu tại Việt Nam năm nay.

Đan Lê (Lược dịch từ The Korea Herald)