Nhân lực có tay nghề, nhân lực chất lượng đang là xu hướng yêu cầu tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp

Cần sự đồng điệu giữa nhà trường và DN

Với chủ đề đặt ra tại hội thảo, nhiều ý kiến của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), DN và tổ chức xã hội nghề nghiệp khẳng định, hợp tác hài hòa và thực chất giữa cơ sở đào tạo nghề với DN đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định ngành, nghề đào tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo cũng như tạo ra nguồn nhân lực chất lượng đầu vào cho DN.

Thực tế thời gian qua, tình trạng "Người lao động tìm việc làm và DN tìm người lao động" vẫn còn là vòng luẩn quẩn diễn ra trên địa bàn tỉnh. Trong khi số lao động không có việc làm, mất việc, lao động phi chính thức vẫn còn rất nhiều thì một số DN vẫn rao thông tin tuyển dụng, tìm không đủ lao động cho những vị trí, ngành nghề, như may mặc, lao động phổ thông...

Theo ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐTB&XH, những hạn chế trên là do nguồn nhân lực tại địa phương, như tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp, đội ngũ lao động có tay nghề, chất lượng cao còn thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng, tác phong cùng kỷ luật lao động bị đánh giá thấp, kỹ năng làm việc của sinh viên chưa cao…

Để giải quyết bài toán: "Người lao động có việc làm", "DN có nguồn lao động", Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chỉ đạo các cấp, các ngành, tổ chức và cộng đồng DN trên địa bàn phải liên kết để đưa nguồn nhân lực địa phương cải thiện về chất lượng và được đào tạo phù hợp với xu hướng phát triển các ngành nghề, lĩnh vực phát triển của tỉnh.

Qua khảo sát, đánh giá của Sở LĐTB&XH, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và quá trình hội nhập. Quy mô nguồn nhân lực qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ còn thấp (22,7%) và lao động qua đào tạo đạt 68%. Một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn, lợi thế của tỉnh còn thiếu đội ngũ chuyên gia giỏi. Nguồn nhân lực chất lượng cao ở các ngành công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ lệ thấp. Nguồn lực dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, thu hút, đãi ngộ nhân tài của tỉnh còn hạn chế.

Chị Nguyễn Thi Thu Hồng, Giám đốc Công ty TNHH SHE Center Việt Nam chia sẻ, thay vì không chọn đi làm ăn xa, chị quyết định ở lại Huế thành lập DN. Với một DN trẻ khởi nghiệp, cũng như nhiều DN vừa và nhỏ khác rất cần địa phương có "cơ chế đặc thù" về chế độ đãi ngộ, thu hút nhân lực trong quản lý, giải quyết việc làm, đào tạo lao động... để từ đó người lao động sẽ chọn ở lại Huế lập nghiệp, cống hiến.

Đại diện Trường cao đẳng Âu Lạc Huế đánh giá cao hiệu quả hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp

Gắn kết nhu cầu DN

Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, để đáp ứng yêu cầu về nguồn lao động, tay nghề mà DN cần, trường nghề cũng cần cải tổ bằng cách sớm chuyển đổi từ phương thức đào tạo truyền thống sang đào tạo số. Đồng thời xây dựng môt số ngành nghề chủ lực, đặc thù đáp ứng theo "đơn đặt hàng" của DN và tập trung nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các DN để hạn chế việc tái đào tạo đối với người lao động khi được nhận làm việc tại DN.

Đại diện một số cơ sở GDNN như Trường cao đẳng Âu Lạc, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế cho rằng, có những vấn đề giáo viên, giảng viên trong trường truyền đạt cho sinh viên lại không thuyết phục bằng chính DN truyền đạt. Vì thế, để hợp tác hiệu quả, giữa hai bên, cơ quan chức năng, chính quyền cần tạo điều kiện cho học viên được thực tập, học việc tại DN cũng như DN có thể cử chuyên gia, người có kinh nghiệm, kỹ năng để làm giảng viên đào tạo tại cơ sở GDNN.

Đồng quan điểm trên, theo ông Trần Văn Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty Scavi Huế, các cơ sở đào tạo cần bám sát thực tế hoạt động của DN; bổ sung các khóa đào tạo kỷ luật, tác phong làm việc, liên kết tổ chức các khóa bồi dưỡng ngắn hạn tại DN, cũng như ký kết đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN trong tương lai gần.

Ngược lại, các DN cũng cần tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, khích lệ sự sáng tạo và xây dựng lộ trình nghề nghiệp đi kèm chính sách, phúc lợi hấp dẫn cho người lao động để thu hút, giữ chân và nâng cao trình độ chuyên nghiệp cho người lao động.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, vấn đề nan giải của Huế đó là chính sách thu hút lao động có tay nghề. Bên cạnh sự nỗ lực của tỉnh trong thu hút, tạo môi trường đầu tư tốt, lành mạnh còn cần sự tham mưu của Sở LĐTB&XH về chính sách hỗ trợ kịp thời cho người lao động và sự gắn kết chặt chẽ 3 nhà: Nhà nước - Nhà trường - Nhà DN trong các hoạt động GDNN để tạo ra được sản phẩm đào tạo thực chất và hiệu quả. Công cụ quản lý, hay cụ thể là bộ dữ liệu khoa học về cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh phải sớm được công bố và triển khai Đề án Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao của tỉnh.

Giải quyết tốt những yêu cầu này sẽ tạo sự dịch chuyển lao động từ các địa phương khác, điều hòa lao động tại chỗ của địa phương, qua đó góp phần tăng cao về số lượng lẫn chất lượng, làm cho thị trường lao động của tỉnh sôi động và mang tính cạnh tranh cao. Đồng thời, cải thiện chỉ số đào tạo lao động với mục tiêu mà Sở LĐTB&XH đặt ra là nằm trong top 10 trong năm 2022 và phấn đấu nằm trong top 5 đến 8 giai đoạn 2023-2025.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG