Ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh

Theo ông, tại sao phải triển khai kế hoạch hành động thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh?

Hiện nay, lâm nghiệp đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi. Với sự chuyển mình và phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, ngành lâm nghiệp đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế tại địa phương. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hoạt động sản xuất lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức; trong đó diện tích và chất lượng rừng có xu hướng tăng, còn tồn tại nhiều nguy cơ thiếu bền vững và dễ bị tổn thương trước tác động của thiên tai, dịch bệnh.

Để cụ thể hóa các nội dung và đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp trong thời gian tới, việc ban hành kế hoạch hành động thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp, giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết.

Mục tiêu, yêu cầu đối với chiến lược phát triển lâm nghiệp của tỉnh được đặt ra như thế nào, thưa ông?

Yêu cầu của chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030 phải phù hợp với kế hoạch kinh tế, xã hội 5 năm 2021-2025 của tỉnh và chương trình thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây cũng là cơ sở để tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt tăng cường sự đóng góp của lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp và quản lý, sử dụng bền vững các giá trị dịch vụ sinh thái rừng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Ông có thể cho biết cụ thể hơn về mục tiêu, chỉ tiêu chính của chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn này?

Các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng hướng đến mục tiêu duy trì, ổn định tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 57,2%, từng bước cải thiện chất lượng rừng tự nhiên hiện có gần  205,7 ngàn ha. Dự kiến tăng thêm ít nhất 100ha diện tích rừng tự nhiên nhờ vào hoạt động khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng. Bình quân mỗi năm trồng 6.000ha rừng, trong đó trồng 5.800ha rừng sản xuất gồm keo, quế, mắc ca và trồng 200ha cây bản địa tại các khu rừng phòng hộ, đặc dụng. Mỗi năm nuôi dưỡng bình quân 1.000ha, làm giàu rừng 600ha.

Chăm sóc rừng trồng bản địa sau khi kết thúc giai đoạn đầu tư tại các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng giai đoạn 2023-2025 là 1.250ha. Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên bình quân 650ha/năm. Trồng cây phân tán 4,7 triệu cây (bình quân 0,94 triệu cây/năm.

Định hướng đến năm 2030, duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 57,3%, duy trì ổn định diện tích và từng bước cải thiện chất lượng rừng tự nhiên gần 206 ngàn ha, tăng thêm ít nhất 500ha rừng tự nhiên nhờ vào hoạt động khoanh nuôi xúc tiến tái sinh. Diện tích rừng sản xuất có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt từ 29-30 ngàn ha. Hoàn thành việc xây dựng và đưa vào hoạt động các lâm viên tại núi Kim Phụng, xã Bình Thành (TX. Hương Trà), các xã Hương Thọ và khu rừng Rú Chá, xã Hương Phong, khu bảo tàng rừng mưa nhiệt đới, xã Thủy Bằng (TP. Huế).

Để đạt các mục tiêu, yêu cầu đề ra, đảm bảo thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp đúng hướng cần phải tập trung triển khai các giải pháp gì, thưa ông?

Trước hết cần phải tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách lâm nghiệp quốc gia, các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch chủ yếu của địa phương; quy hoạch lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 trên địa bàn tỉnh và giám sát chặt chẽ quy hoạch được phê duyệt. Đặc biệt, quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội địa phương và tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Các chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các chương trình, dự án liên quan được điều phối, lồng ghép và tổ chức thực hiện đảm bảo mục tiêu chung là bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng, kết hợp cải thiện mạnh mẽ sinh kế người dân địa phương các vùng nông thôn miền núi. Nghiên cứu ban hành quy định mức hỗ trợ cho công tác bảo vệ rừng (BVR) tự nhiên và lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách BVR trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030.

Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh phát triển rừng, đặc biệt chú trọng phát triển lâm sản ngoài gỗ là nhóm các loài dược liệu và mây tre. Các cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình được hỗ trợ giao rừng, kinh phí BVR, nhất là các cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình. Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách bảo hiểm lâm nghiệp, bảo hiểm rừng trồng. Các biện pháp nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương các cấp, các chủ rừng về quản lý, BVR được triển khai, tổ chức thực hiện đồng bộ...

Trước yêu cầu số hóa trong quản lý, BVR, ngành lâm nghiệp quan tâm triển khai như thế nào?

Ngành lâm nghiệp đang triển khai thực hiện chuyển đổi số và sử dụng trí tuệ nhân tạo trong theo dõi, giám sát, quản lý tài nguyên rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Hệ thống giám sát rừng thông minh và tích hợp quản lý đa dạng sinh học, quản lý phát thải và sử dụng, phát triển rừng - Hue Smart Forest (HSF) được xây dựng. Phấn đấu đến năm 2025, tất cả các chủ rừng là tổ chức có đủ năng lực theo dõi, giám sát, quản lý tài nguyên rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng bằng công nghệ số...

Mô hình trồng rừng, chế biến và kinh doanh rừng nào hiện nay được khẳng định phù hợp và lựa chọn trong chiến lược phát triển lâm nghiệp của tỉnh?

Ngành đang thiết lập và nhân rộng, chuyển giao một số mô hình phát triển rừng gắn với cải thiện sinh kế cho người dân địa phương, như mô hình chuyển hóa nương rẫy thành nông, lâm kết hợp; mô hình trồng rừng gỗ lớn và quản lý rừng bền vững; mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng kết hợp du lịch trải nghiệm. Các mô hình trồng cây lâm sản ngoài gỗ có hiệu quả được lựa chọn triển khai như ba kích, thiên niên kiện, mắc ca, quế, các loài song mây. Chú trọng điều phối các nguồn vốn để hỗ trợ cộng đồng, hộ gia đình được giao rừng tự nhiên thực hiện quản lý và khai thác bền vững nguồn lâm sản ngoài gỗ ở các địa phương miền núi như huyện Nam Đông, A Lưới.

Các địa phương, ban ngành vận động các hộ gia đình tham gia mạnh mẽ phong trào trồng cây gây rừng, trồng cây trong vườn nhà, các khu dân cư, công nghiệp nhằm hưởng ứng trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế trồng ít nhất 7 triệu cây xanh...

Hoàng Triều (thực hiện)