Tiểu thương chợ Đông Ba mặc áo dài bán hàng góp phần quảng bá văn hóa Huế đến với du khách

Từ những việc nhỏ

Nhà nghiên cứu (NNC) Hồ Tấn Phan phân tích, không dễ gì Huế trở thành thành phố văn hóa của ASEAN và là trung tâm văn hóa của cả nước. Ngoài việc sở hữu những thành tựu văn hóa về kiến trúc, nghệ thuật, bề dày về lịch sử… Huế còn có khả năng tiếp thu có chọn lọc để bồi đắp, làm phong phú thêm cho văn hóa của mình. Là nơi để những nền văn hóa khác có thể gặp gỡ và giao thoa. Chính những yếu tố đó mà chỉ có Huế chứ không phải thành phố nào khác trong cả nước vinh dự nhận danh hiệu này.

“Thời gian qua nhiều người cho rằng thành phố văn hóa thì chỉ riêng về lĩnh vực văn hóa. Trách nhiệm thuộc về những đơn vị đang hoạt động trong ngành văn hóa. Theo tôi, một thành phố văn hóa phải tập hợp được nhiều yếu tố, tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ những hành động, việc làm nhỏ nhất cũng phải thể hiện được tính văn hóa. Cách ứng xử, lối sống, trong kinh doanh, kinh tế, y tế, môi trường giáo dục… phù hợp với các chuẩn mực xã hội, thể hiện được tính văn minh”, NNC Hồ Tấn Phan nhận định.

Du khách tham dự Đêm Hoàng cung

Sâu hơn về vấn đề này, chúng tôi có cuộc nói chuyện với nhà thơ Võ Quê. Nơi chúng tôi hẹn là một quán cà phê quen mà nhà thơ thường đến trên đường Trương Định. Trước quán là một dãy quán hàng ăn sáng chuyên bán mì ốp-la đang được giới trẻ và nhiều người yêu chuộng. “Văn hóa có nhiều mặt, hiện nay chúng ta đang chạy theo nhiều khái niệm, nhưng thực tế còn rất nhiều vấn đề cần được đưa ra bàn thảo. Chẳng hạn như văn hóa ẩm thực, lâu nay chỉ nói về món này món kia, ca ngợi người chế biến ra những món ăn đó nhưng chưa bao giờ đề cập đến văn hóa người ăn. Ngay tại các quán ăn ở trước mắt, chủ quán đã để sẵn nhiều sọt rác, nhưng người ăn vẫn thiếu ý thức, vứt rác xuống nền nhà. Không riêng các quán ăn này, rất, rất nhiều quán khác đều gặp tình trạng tương tự. Đó là một ví dụ để thấy còn nhiều biểu hiện không tốt cần được điều chỉnh trong thời gian tới”, nhà thơ Võ Quê trăn trở.

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế chia sẻ: “Khi xã hội phát triển thì việc giữ gìn những giá trị truyền thống càng trở nên khó, đặc biệt đối với giới trẻ. Ngày trước, dễ dàng bắt gặp những vòng tay, cúi đầu chào của người trẻ đối với người lớn. Hay khi gặp một đám tang thì ai cũng dừng lại cúi chào… Đó là những nét văn hóa rất đẹp của cha ông đang dần mất đi trong cuộc sống ngày nay. Vì vậy, việc giáo dục, uốn nắn ngay từ ban đầu, phần nào xây dựng những con người đủ đức đủ tài là rất cần thiết”.

Theo nhiều NNC thì Huế còn thiếu nhiều không gian để quảng bá văn hóa đến với du khách, vì thế sức lan tỏa chưa cao. Du khách khi đến với Huế chỉ dừng lại ngang mức biết chứ chưa có nhiều điều kiện và cơ hội để hiểu sâu về Huế.

Ý thức của mỗi người

Thời gian gần đây, ngoài việc quản lý chặt, yêu cầu tiểu thương phải niêm yết, công khai giá tại chợ Đông Ba, thì ý thức kinh doanh bán đúng giá tạo được thiện cảm tốt đối với du khách. Chị Nguyễn Ngọc Tường Vi, du khách đến từ TP Hà Nội, chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất hài lòng khi các quầy hàng đã công khai giá. Dù trước khi vào mua sắm tại chợ Đông Ba tôi khá e ngại vì đã nghe một người bạn kể về việc từng bị lừa. Bạn tôi mua một xấp vải áo dài, ban đầu chủ quầy báo giá 1 triệu đồng, bảo là vì bán cho khách du lịch, sau này còn giới thiệu người quen đến mua nên giảm 100 nghìn đồng. Lúc đến tiệm may thì chủ tiệm cho hay xấp vải đó chỉ có giá hơn 400 nghìn đồng”.

Nhà thơ Võ Quê cho rằng: “Để tạo ấn tượng tốt đối với du khách mỗi lần đến Huế thì ý thức kinh doanh lành mạnh rất quan trọng. Tôi đã gặp một lần và đã góp ý ngay với người chủ quán dù đó là quán ăn quen hằng ngày của tôi. Lần đó, tôi dẫn hai người bạn từ TP Hồ Chí Minh đến ăn bún bò. Khi ăn xong gọi tính tiền thì chủ quán đã tăng giá so với mọi hôm, tôi thắc mắc thì chủ quán bảo rằng tưởng hai người bạn của tôi trả tiền nên tăng thêm giá. Tôi đã bảo với chủ quán buôn bán không trung thực như thế lần sau ai dám đến ăn nữa. Vì vậy, mỗi một người dân phải tự ý thức, hành động sao cho xứng đáng khi đang được sống trong một thành phố văn hóa của ASEAN, không riêng gì trong lĩnh vực kinh doanh ăn uống mà tất cả mọi lĩnh vực khác đều cần có ý thức”.

“Để danh hiệu thành phố văn hóa của ASEAN mang tính lâu dài và bền vững thì rất cần ý thức của mỗi cá nhân, những chủ nhân của thành phố. Những ý thức đó cần được xây dựng để trở thành bản chất, tập quán. Những hàng động, ứng xử có văn hóa trở thành một thói quen. Khi đó, mỗi cá nhân sẽ là cầu nối gắn kết du khách với Huế”, NNC Hồ Tấn Phan chia sẻ.

Cũng theo nhà thơ Võ Quê, ngoài ý thức của mỗi cá nhân thì các cấp quản lý cần tăng cường kiểm tra, nhắc nhở. Tăng cường nhiều hơn nữa các buổi tập huấn, đầu tiên là những cán bộ trí thức đang làm việc trong các cơ quan, ban, ngành, sau đó đến những người thường xuyên làm việc, tiếp xúc với khách du lịch. Bên cạnh đó, cơ quan truyền thông, báo chí cũng cần tăng cường tuyên truyền đến toàn thể người dân. “Bản thân mỗi cá nhân là một hướng dẫn viên du lịch, là chìa khóa vàng mở những cánh cửa đưa du khách đến với văn hóa Huế. Nhưng những cá nhân này thiếu ý thức, chưa đặt cái tâm lên hàng đầu, hoặc không tinh tế thì chiếc chìa khóa vàng sẽ bị biến chất trở thành chiếc chìa khóa chì, không những không mở được cánh cửa văn hóa mà còn hại chính cách tay của mình”, nhà thơ Võ Quê tâm sự.

Bài, ảnh: Đức Quang