Bị ảnh hưởng việc làm do thiếu đơn hàng, nhiều lao động ngành dệt may buộc phải tìm cách xoay sở

Một người quen của tôi, có con trai, dâu, rể và cả cô cháu gái chưa có gia đình đều là công nhân của một vài nhà máy dệt may ở Khu công nghiệp Phú Bài, Phong Điền, Hương Sơ… Một trong số đó sau hai tháng nghỉ được hỗ trợ 50% lương, nay công ty đã cho nghỉ hẳn. Những người khác thì chỉ đi làm tuần 3 ca, lương cũng chỉ còn một nửa. Khổ hơn là hai vợ chồng trẻ, có hai con đang học tiểu học, mầm non vừa được công ty thông báo cho nghỉ từ tháng sau. Lo lắng là điều tất nhiên, khi mà nguồn thu dù không cao nhưng cũng ổn định để lo cho cuộc sống, con cái học hành. “Tết thì cận kề, chắc tụi em phải kiếm tạm công việc gì đó”. Tôi cũng chưa chắc vợ chồng em có thể kiếm được việc vừa ý hay không, nhưng ít ra T. (nhân vật vừa nêu) cũng đã trong trạng thái sẵn sàng cho công việc mới để có thu nhập, lo cho gia đình.

Và, tôi cũng tin rằng, nhiều lao động mất việc trong các khu công nghiệp khác đa số họ đều vậy, ít nhất là với những người đã có gia đình, và có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Bởi, nếu so với năm 2020, 2021, thời điểm dịch bệnh bùng phát, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, lượng lao động thất nghiệp càng gấp nhiều lần so với hiện nay, song, với bản chất cần cù, chịu khó, lao động trên địa bàn cũng như cả nước vẫn tìm cách xoay xở để duy trì cuộc sống.

Tất nhiên, ngoài nỗ lực tìm kiếm việc làm của mỗi lao động, doanh nghiệp - người sử dụng lao động và các ban ngành liên quan cũng cần có những giải pháp thiết thực, tìm kiếm đơn hàng mới, mở rộng thị trường và các chính sách hỗ trợ trước mắt để người lao động không bị hoang mang, dao động.

Thống kê của Sở Công thương, toàn tỉnh có 11 DN ở lĩnh vực dệt may và chế biến gỗ buộc phải cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng. Theo đó, số lao động bị ảnh hưởng việc làm hơn 2.000 người. Qua kết nối, hỗ trợ tìm kiếm việc làm mới của các ban ngành chức năng, đã có hơn 1.000 lao động đã tìm kiếm được việc làm mới. Tất nhiên, đa số công việc chưa mang tính ổn định dài lâu, chủ yếu vẫn là thời vụ phục vụ cho thị trường tết. Dù vậy, trong bối cảnh hiện tại, có được việc làm để có thu nhập lo cho cuộc sống, với nhiều lao động, đó đã là một cơ may. Ngoài ra, các doanh nghiệp ở lĩnh vực may mặc, chế biến gỗ… cũng đã có những hỗ trợ ban đầu với những trường hợp người lao động khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất để người lao động được nhận hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp.

Tuy nhiên, về lâu dài vẫn cần có những giải pháp vĩ mô, trong đó quan trọng nhất vẫn là mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng mới. Đồng thời, có giải pháp giữ chân người lao động, nếu không khi họ tìm kiếm được việc làm mới, kể cả thu nhập chưa tốt hơn nơi cũ nhưng để thuyết phục họ quay lại làm việc không phải là điều đơn giản. Đây cũng là thực trạng đã xảy ra khi rất nhiều lao động rời các thành phố lớn trở về quê tránh dịch và nhiều trong số đó chọn ở lại quê hương thay vì trở lại nơi làm việc cũ khi dịch bệnh lắng xuống. Điều đó dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng lao động, nhất là với những tỉnh, TP như Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh…

Giải pháp giữ chân lao động được nhiều chuyên gia đề nghị chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong lúc chờ có đơn hàng, thị trường mới, phải chấp nhận vay vốn để bù đắp tiền lương, các chế độ cho người lao động. Thuận lợi là, Ngân hàng Nhà nước vừa cấp thêm từ 1,5-2% chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng và gần như các mục tiêu ưu tiên của họ là cho vay lĩnh vực xuất nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng…

Bài, ảnh: Tâm Huệ