Những vụ khởi tố, điều tra, bắt tạm giam, xét xử… phản ánh đúng bản chất của cuộc chiến chống tham nhũng, là “làm quyết liệt, đến nơi đến chốn, không có vùng cấm…”.

Từ trước đến nay, chúng ta đề cập nhiều đến các yếu tố để phòng ngừa tham nhũng là: xây dựng cho được những quy định làm cho người ta – không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng và không dám tham nhũng. Ở đây, chúng ta thử đề cập đến yếu tố “không dám”.

Không dám, nói nôm na là sợ. Ai mà chẳng sợ khi đối diện với rủi ro pháp luật. Ngoài hoàn chỉnh về mặt quy định, pháp luật thì có lẽ, công tác giáo dục, tuyên truyền phải làm cho nhiều người biết sợ.

Chúng ta hình dung, những người tham nhũng, chuỗi ngày của thời gian từ khi bị phát hiện đến khi bị bắt, xét xử… chắc chắn là chuỗi ngày sống trong sự sợ hãi? Tôi đang cố hình dung thử những người đặt trong trường hợp như vậy, cảm giác của họ sẽ như thế nào?

Chắc chắn là một cảm giác sợ hãi thường trực. Nỗi sợ đầu tiên đó là khi những “riềng mối” bắt đầu bị phanh phui. Hầu như tất cả mọi người đều tìm mọi cách để che đậy. Càng che đậy thì thời gian sống trong nơm nớp, lo sợ càng kéo dài. Có thể hàng loạt câu hỏi sẽ được đặt ra và nghĩ tới: Liệu có bị phát hiện không, liệu sẽ bị xử lý như thế nào, liệu tương lai của mình sẽ ra sao… Có lẽ có rất nhiều câu hỏi như vậy. Đến lúc này tôi tin rằng, nhiều người sẽ nghĩ tới chuyện “giá như” – giá như mình không làm những chuyện như vậy; giá như nếu làm cách này thì sẽ tốt hơn cách kia. Và có thể còn nghĩ đến chuyện giá như trước đây mình không giữ trọng trách này… Nhưng tất cả đều đã muộn.

Đối diện với lao tù thì ai chẳng sợ. Chắc là một cảm giác bất an tác động đến tâm lý rất cao. Những bức tường bao quanh, những hàng rào sắc nhọn… Những người tham nhũng thường là những người có địa vị trong xã hội, có quyền lực. Giờ phải đối diện với những điều như vậy, chắc là cũng một cảm giác hết sức hãi hùng.

Nhưng có lẽ sợ nhất là khi nghĩ về tương lai, về những người thân của mình, về cộng đồng mà mình sống. Những tác động lên những mối quan hệ mà từ những hệ quả mình gây ra có nghiêm trọng không? Liệu người thân của mình sẽ bị tác động gì, họ sống và làm việc như thế nào, có bị những ảnh hưởng nào nghiêm trọng; mọi người sẽ nhìn nhận một ánh mắt, nghĩ như thế nào về mình… Hàng loạt câu hỏi không dễ trả lời. Càng không trả lời một cách thấu đáo thì cảm giác lo lắng, sợ hãi càng thêm “rối trí”…

Tham nhũng, chẳng qua cũng giống như một hành vi tưởng thưởng. Họ chỉ nghĩ mình sẽ được cái này chứ không nghĩ phải mất cái kia. Nếu biết mất cái kia, thậm chí còn lớn hơn thì họ sẽ không làm. Làm thế nào để khi họ “đưa tay lấy tiền” từ hành vi tham nhũng họ sẽ nghĩ đến chuyện có thể mất cái kia. Tác động bằng sự sợ hãi - theo tôi - cũng là một cách để người ta không dám tham nhũng.

LÊ AN BÌNH