T.S Đoàn Văn Minh
T.S Đoàn Văn Minh cho hay, với người cao tuổi, vấn đề tập luyện thường xuyên không những tăng sức khoẻ về thể chất mà còn cải thiện về tinh thần, thêm niềm vui cuộc sống, giảm căng thẳng, kéo dài tuổi thọ, tăng khả năng lao động… Có tập luyện, cơ xương khớp sẽ dẻo dai hơn, linh hoạt hơn. Duy trì thể lực, tăng sự dẻo dai và chống lại sự lão hoá nhờ thể dục đều đặn là hiệu quả đã được chứng minh qua nhiều công trình nghiên cứu.
Mỗi ngày, người cao tuổi nên tập luyện tối thiểu 30 phút, tối đa 60 phút với cường độ phù hợp tình trạng sức khỏe. Nếu luyện tập đều đặn và thường xuyên sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực về thể lực và ngoại hình.
Hiện có rất nhiều hình thức thể dục: đạp xe, đi bộ, yoga, bơi lội… Làm thế nào để lựa chọn một bộ môn phù hợp với sức khỏe, thể lực người già?
Lựa chọn môn thể dục thể thao phù hợp rất là quan trọng, vì mỗi người có cơ địa khác nhau, và có các vấn đề sức khoẻ khác nhau. Ví dụ: người đang mắc các bệnh mãn tính, tim mạch, cơ xương khớp hay tiểu đường... ngoài lựa chọn riêng các bài tập cho bản thân còn nên tuân theo tư vấn của bác sĩ. Người bệnh tim mạch thường có những bài tập phù hợp, không nên vận động quá mức; người có vấn đề về cơ xương khớp nên vận động nhẹ nhàng, đúng cách, trách nhiều lực tác động lên khớp. Như vậy, lựa chọn các môn thể thao tùy thuộc vào khả năng, thói quen của từng người, phù hợp với sức khoẻ bản thân…
Đã từng xảy ra trường hợp đột quỵ khi thể dục buổi sáng, nguyên nhân vì sao lại có tình trạng này? Trường hợp như đã đề cập có bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết hay không?
Đột quỵ trong khi tập thể dục vẫn hay xảy ra, nếu tập luyện không đều đặn, hoặc đột ngột, cơ thể không thích nghi kịp thời thì sẽ xảy ra rất nhiều tai biến. Điều này thường gặp ở những người mắc bệnh mạn tính, đặc biệt là bệnh về huyết áp, tim mạch. Những người có bệnh lý nói trên, khi tập luyện không phù hợp, không thường xuyên thì sẽ dễ xảy ra các nguy cơ khi tập luyện. Ngoài ra, khi có sự thay đổi đột ngột môi trường, cơ thể không đáp ứng kịp cũng có thể sẽ gây ra đột quỵ.
Cần giữ ấm cơ thể khi thể dục trong tiết trời lạnh
Đột quỵ khi thể dục buổi sáng cũng thường gặp ở những người bệnh lý có sẵn, người tập thể dục quá sớm. Việc lựa chọn khung giờ tập sáng tuỳ theo mùa: mùa hè thì có thể từ 4-5 giờ sáng, song mùa đông, thời điểm an toàn nhất phải sau 5 giờ sáng. Buổi sáng sớm thường nhiều sương lạnh, nhiệt độ còn thấp, thay đổi cơ thể đột ngột trong buổi sáng sớm thường không có lợi. Khi tập luyện, chúng ta nên “lắng nghe” cơ thể, biết rõ bệnh lý của mình và nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Vào thời tiết chuyển lạnh, chúng ta cần lưu ý những vấn đề gì khi tập thể dục ngoài trời?
Trước khi tham gia vận động hoặc thể dục, đảm bảo cơ thể mình phải thích ứng dần. Vào mùa đông, nên làm ấm cơ thể trước khi đi ra ngoài, như xoa bóp, vận động nhẹ trong nhà để làm ấm cơ thể, đảm bảo áo quần mặc vừa đủ ấm (áo quẩn thể dục cho mùa thu, đông nên có áo khoác hoặc áo cao cổ). Khi vận động, cơ thể thường nóng, ra mồ hôi thì không nên vén áo, cởi trần, dễ bị phong hàn, tà khí xâm nhập vào cơ thể. Sử dụng giày phù hợp, áo quần phù hợp… Nên khởi động, làm ấm cơ thể, tránh những thay đổi đột ngột của môi trường sẽ đảm bảo được sức khoẻ trong quá trình tập luyện thể dục. Thể dục cũng như món ăn, càng chuẩn bị đầy đủ, tươm tất thì bữa ăn tốt hơn.
Trong điều kiện mưa rét không tiện di chuyển, bác sĩ có thể tư vấn thể dục tại nhà như thế nào đối với người lớn tuổi?
Ở các gia đình có có đặt dụng cụ tập luyện tại nhà thì rất thuận tiện. Nếu không, chúng ta có thể tập những bài tập dưỡng sinh, bài tập tại chỗ, trên giường vì vẫn vẫn đảm bảo toàn bộ thể lực. Các động tác đi bộ trên không, đạp xe trên không hoặc chạy tại chỗ, nhảy dây tại chỗ tuỳ theo thể lực, miễn sao có vận động phù hợp, thường xuyên là được.
"Lắng nghe" cơ thể và tư vấn của bác sĩ nếu có bệnh lý khi tập luyện
Tại nhà có thể tập thái cực quyền, khí công, và một số bài tập dưỡng sinh khác… Trong đó, tập thái cực quyền phù hợp cho người già, vì nó giúp điều hoà cơ thể rất tốt cả về thể chất và tinh thần, động tác nhẹ nhàng nhưng tác dụng lớn. Có thể chọn lựa một số động tác trong bài tập thái cực quyền để tập tuỳ theo tình trạng sức khoẻ và bệnh lý đang mắc phải, ban đầu nên có sự hướng dẫn tập luyện của bác sĩ YHCT, huấn luyện viên dưỡng sinh…
Nhiều người có quan niệm tập thể dục lúc sáng sớm khi đói hoặc tập xong mới ăn sáng, chế độ dinh dưỡng như thế nào khi thể dục là phù hợp với người lớn tuổi?
Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng, bởi vì không có năng lượng khó mà tập luyện, hoạt động. Buổi sáng, đi tập sớm thì không nên để bụng đói hoặc phải có chế độ ăn phù hợp trong điều trị. Có thể uống một ly sữa nóng hoặc ăn một cái bánh, ngậm một cái kẹo. Không nên để bụng rỗng khi luyện tập. Cơ thể cần năng lượng, nhất là cần nước, nên uống một ít nước khi luyện tập. Nếu tập quá sức, hoặc mới tập mà mồ hôi ra nhiều thì phải điều chỉnh lại cường độ tập luyện, người lớn tuổi không nên để ra mồ hôi nhiều khi luyện tập. Mất nước, mất điện giải qua đường mồ hôi… cũng là nguy cơ dẫn tới đột quỵ.
Ở người tim mạch, nên vận động và phải vận động đúng. Vận động theo chỉ dẫn bác sĩ. Vận động tim mạch phải vừa sức và có những bài tập tư vấn để phục hồi chức năng tim mạch. Ở người bệnh về cơ xương khớp nên vận động ít nhưng thường xuyên, có thể chọn các bài thể dục đơn giản, nhẹ nhàng, tập đúng động tác, kết hợp thở sâu, nhịp nhàng, tăng cường tính linh hoạt của các khớp, cột sống, khối cơ, dây chằng… |
Tuệ Ninh (Thực hiện)