Hình ảnh Kinh thành Huế

Bộ ngọc phả duy nhất còn lại

Trong không gian trưng bày của Thư viện Tổng hợp, ông Huỳnh Thế Cường (một du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) say sưa giới thiệu cho con trai những hình ảnh tư liệu xưa ghi lại những công trình cũ, nếp sống sinh hoạt của người dân Sài Gòn, Hà Nội, Cần Thơ. Đó là một đám cưới của người Hà Nội xưa, là hình ảnh giản dị của một người bán hàng rong ở Chợ Lớn (Sài Gòn), là cảnh sinh hoạt ở mé sông chợ Ô Môn-Cần Thơ năm 1893... Góc khác trưng bày hình ảnh Kinh thành Huế, Thái Bình Lâu, Điện Kiến Trung xưa, đặc biệt là bản khắc sơ đồ “Hoàng Thành Nội” - mộc bản triều Nguyễn được xếp loại là di sản tư liệu thế giới. Ông Cường cho biết: “Tôi đưa con ra Huế du lịch trong dịp hè. Xem ti vi biết triển lãm này nên cùng con trai đến đây để giúp cháu hiểu thêm về các giá trị văn hóa, lịch sử”.

Bộ ngọc phả "Hoàng Triều Ngọc Điệp"

Không chỉ hấp dẫn khách tham quan gần xa, triển lãm còn thu hút sự quan tâm của những nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử. Trước chiếc tủ kính trưng bày bộ gia phả đặc biệt “Hoàng Triều Ngọc Điệp” - gia phả của hoàng tộc triều Nguyễn, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cứ trầm trồ ngưỡng mộ về sự quý giá. “Hoàng Triều Ngọc Điệp” gồm 3 quyển, là bộ sách viết tay bằng chữ Hán - Nôm được lưu trữ trong bí các của nhà vua. Quyển 1 ghi chép đầy đủ tiểu sử của 9 đời chúa Nguyễn, bắt đầu từ chúa Nguyễn Kim đến chúa Nguyễn Phúc Thuần. Quyển 2 chép rõ lại tiểu sử từ chúa Nguyễn Phúc Luân (phụ hoàng vua Gia Long) đến vua Hàm Nghi. Hai quyển này được viết khoảng từ năm 1841-1847. Quyển 3 ghi chép tiểu sử của vua Đồng Khánh, được viết vào khoảng từ năm 1885-1888.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, “Hoàng Triều Ngọc Điệp” là bộ ngọc phả duy nhất của triều đình còn lại ở Việt Nam. Qua những biến động của lịch sử, nó bị thất tán đi nhiều nơi, may mắn Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh mua được. Hiện nay, tư liệu quý này đang được lập hồ sơ bảo vật quốc gia. Trong không gian trưng bày còn có những tư liệu quý khác, như: cấp bằng Tinh binh đội trưởng cho ông Hồ Xuân Triêm thời vua Bảo Đại (1935), sắc thăng Anh dũng tướng quân trung úy cho ông Võ Bá Lộc (1793), Cơ Mật viện cấp bằng khen cho ông Nguyễn Viết Hữu thời vua Thành Thái (1902). Ngoài ra, còn có gia phả họ Phùng, họ Lê, họ Nguyễn Đình...

Hình ảnh người bán quà rong ở Chợ Lớn (Sài Gòn)

Bảo tồn tư liệu quý

Triển lãm “Bộ sưu tập tư liệu địa chí xưa và nay” trưng bày gần 700 tư liệu, sách, ảnh của các tỉnh, thành trong cả nước giới thiệu về lịch sử, văn hóa, con người, sự phát triển của quê hương, đất nước qua các thời kỳ... Trong đó, tầng 1 trưng bày các bức ảnh xưa và nay của 10 tỉnh, thành trong nước, mộc bản triều Nguyễn, một số tư liệu được sưu tầm, số hóa và phục chế trong đề tài nghiên cứu “Sưu tầm, phục chế, tuyển dịch, số hóa tài liệu Hán-Nôm ở Thừa Thiên Huế”. Tầng 2 trưng bày hơn 400 tư liệu địa chí xưa và nay, một số sắc phong, chế phong của các tỉnh, thành trong Liên hiệp thư viện Bắc miền Trung, Thư viện TP. Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Đây là những tài liệu đã được phục chế, số hóa và đang lưu giữ tại các thư viện tỉnh, thành.

Ông Lê Trọng Bình, Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế cho hay, để tổ chức được cuộc triển lãm này, giới thiệu nhiều tư liệu địa chí đến người đọc là cả sự cố gắng, liên kết của hệ thống thư viện trong Liên hiệp Thư viện Bắc miền Trung cùng các thư viện TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Cần Thơ. Đồng nghiệp của chúng tôi ở các tỉnh, thành khác đã mang đến triển lãm những tư liệu, cuốn sách quý, như: gia phả danh nhân Nguyễn Công Trứ, Đại Nam nhất thống chí của thư viện Nghệ An; bản Kiều nguyên bản của thư viện Hà Tĩnh; cuốn từ điển Việt Bồ La của Alexandre de Rhodes xuất bản năm 1651 của Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh...

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa lưu ý: “Những bộ gia phả, như Hoàng Triều Ngọc Điệp, gia phả của danh nhân Nguyễn Công Trứ tạo sự hấp dẫn với người xem, gợi mở cho chúng ta những giá trị văn hóa, văn hiến đang tiềm ẩn, chưa thật sự được bảo vệ và phát huy hiệu quả”.

Minh Hiền