Nuôi nhốt gia súc mùa mưa rét để tránh thiệt hại

Không để xảy ra thiệt hại

Xã Hương Phong (TP. Huế) là “vựa trâu” lớn của vùng đầm phá. Với đặc thù sản xuất nông nghiệp, tận dụng sức kéo và nuôi trâu bò lấy thịt, nhiều năm nay, chăn nuôi gia súc ở Hương Phong phát triển khá mạnh với tổng đàn hơn 300 con. 

Bước vào vụ đông xuân, lúa “xuống” đồng- tiết trời rét lạnh cũng là lúc nông dân Hương Phong nuôi nhốt trâu bò nhằm tránh thiệt hại và bảo vệ mùa màng. Vùng đất ven Rú Chá dọc tuyến đê Tây phá Tam Giang nhiều năm nay, nông dân Thuận Hòa (xã Hương Phong) mang trâu, bò ra khỏi khu dân cư, tập kết chăn nuôi tại đây. Số lượng đàn của 4 hộ nuôi ở sát vùng Rú Chá này gần 100 con trâu, bò.  

Anh Đặng Duy Thân ở thôn Thuận Hòa cho biết, cứ mỗi độ đầu vụ đông xuân- trời thường có rét đậm rét hại, bà con chăn nuôi trong thôn đều phải nuôi nhốt trâu bò ở chuồng trạ. Những lúc trời rét, các chủ trại thường chuẩn bị đầy đủ thức ăn rơm rạ khô phối trộn thức ăn tinh để dự trữ cho trâu bò. Đầu mùa rét bà con cũng gia cố, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, nuôi nhốt trâu bò để tránh thiệt hại.

Đợt rét đậm, rét hại cuối năm 2020 đầu năm 2021 đã làm gần 1.000 con gia súc (chủ yếu trâu, bò) ở A Lưới, Nam Đông bị thiệt chết, thiệt hại tài sản rất lớn cho nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Lùa trâu bò về chuồng, dự trữ rơm khô làm thức ăn trong mùa rét

Ông Hồ Văn Nu- một hộ chăn nuôi ở thôn Phú Thượng (Phú Vinh, A Lưới) cho hay, những năm gần đây, dưới sự hướng dẫn của cán bộ xã, thôn, người dân không còn chăn thả rong trâu bò mùa rét. 

Theo Phòng NN&PTNT huyện A Lưới, hiện các hộ chăn nuôi trên địa bàn đã thay đổi nhận thức và đã chủ động dự trữ nguồn thức ăn để đảm bảo cho trâu bò trong mùa mưa rét. Các địa phương (tập trung nhiều nhất ở xã Phú Vinh) đã vận động người dân mua và dự trữ hơn 800 cuộn rơm làm thức ăn cho gia súc. Đồng thời đã gia cố, che chắn chuồng trại và thực hiện nuôi nhốt trâu bò tại chuồng. Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện A Lưới chưa phát hiện trâu bò chết do mưa rét.

Chủ động ứng phó

Nhằm ứng phó với đợt mưa rét được dự báo trong những ngày tới, UBND huyện A Lưới yêu cầu Phòng NN&PTNT và các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đói, rét cho đàn vật nuôi trên địa bàn huyện. Đồng thời hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn gia súc.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, chi cục nghị các địa phương, đơn vị liên quan chỉ đạo công tác phòng chống đói, rét và phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, nhất là đàn trâu, bò.

Chăn nuôi trâu bò thả rong nguy cơ thiệt hại trong mưa rét

Thành lập các đoàn công tác về cơ sở kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc bằng các nguồn lực và nguồn thức ăn sẵn có (rơm, cỏ, cám, chuối, thức ăn tinh…) tại địa phương. Hướng dẫn người dân chủ động nguồn thức ăn, đảm bảo cung cấp thức ăn tại chuồng không để gia súc bị đói, khát đồng thời bổ sung thêm thức ăn tinh bột, vitamin, khoáng chất cần thiết để tăng cường sức khỏe cho đàn vật nuôi.

Phân công cán bộ phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn gia cố chuồng trại. Hướng dẫn giảm đàn đối với các hộ chăn nuôi không chủ động đủ nguồn thức ăn dự trữ, các hộ trong vùng thấp trũng và tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng các khu vực có nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Vận động các hộ chăn nuôi, nuôi ghốt gia súc tại chuồng, không chăn thả trâu, bò khi nhiệt độ xuống thấp dưới 12 độ C và cho gia súc nghỉ làm việc. Trong điều kiện thời tiết mưa, lạnh kéo dài và có rét đậm, rét hại phải đưa trâu, bò về chỗ nuôi nhốt có kiểm soát, giữ khô nền chuồng, che chắn tránh gió lùa. Các địa phương hỗ trợ, hướng dân hộ chăn nuôi sử dụng các tấm chăn, áo, bao tải gai đã cũ để làm giữ kín, giữ ấm, tạo nguồn nhiệt (đốt trấu, củi…) sưởi ấm cho gia súc.

Lực lượng thú y tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, hướng dẫn xử lý chất thải vật nuôi. Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi đề phòng dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, khi phát hiện gia súc bị bệnh phải có biện pháp can thiệp kịp thời và chuẩn bị tốt nhân lực, vật tư, vắc xin cho đợt tiêm phòng gia súc trong vụ Đông Xuân.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong khoảng từ ngày 16-19/12, có một đợt không khí lạnh rất mạnh ảnh hưởng đến nước ta, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra rét đậm, rét hại trên diện rộng và kéo dài. Trong đợt rét đậm, rét hại diện rộng nêu này, nhiệt độ thấp nhất về đêm và sáng ở vùng đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 8- 11 độ C, khu vực vùng núi, trung du của Bắc Bộ nhiệt độ phổ biến 3-5 độ C, vùng núi cao có nơi thấp dưới 0 độC; nguy cơ xảy ra băng giá, sương muối. Đặc điểm đây là một đợt rét khô, nên rét buốt chỉ xảy ra vào đêm và sáng sớm. Đỉnh điểm của đợt rét xảy ra vào sáng sớm các ngày 18, 19/12.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN