Thừa Thiên Huế đang tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch

148/246 dự án chờ quy hoạch

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui, thời gian vừa qua việc triển khai kêu gọi và triển khai ĐT các DA ngoài ngân sách trên địa bàn còn gặp một khó khăn, vướng mắc về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; thủ tục ĐT triển khai DA nằm ở nhiều văn bản pháp luật liên quan khác nhau và có nhiều thay đổi, điều chỉnh, chồng lấn như: quy hoạch (QH), ĐT, đất đai, xây dựng, môi trường, kinh doanh, an ninh quốc phòng…

Đến nay, có 148/246 DA đang kêu gọi ĐT chờ QH để lập thủ tục chấp thuận chủ trương ĐT và một số DA đã được chấp thuận chủ trương ĐT chưa có QH phân khu được duyệt theo quy định; một số văn bản hướng dẫn Luật, Nghị định... ban hành chưa kịp thời. Trong đó, vướng mắc về công tác QH là một trong những nguyên nhân quan trọng làm chậm tiến độ trong triển khai thực hiện các DA và kêu gọi ĐT.

Trong khi đó, việc kêu gọi các DA ĐT cũng như quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà ĐT, đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà ĐT phải phù hợp với nhiều loại QH khác nhau như: QH vùng, QH tỉnh, QH ngành, QH sử dụng đất, QH xây dựng, QH đô thị, QH bảo tồn di tích, an ninh, quốc phòng,... 

Các quy hoạch sớm được phê duyệt sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trên địa bàn tỉnh. Ảnh: TB

Theo quy định của Luật QH, các QH ngành trên địa bàn tỉnh sẽ được tích hợp vào QH tỉnh. Tuy nhiên đến nay, QH tỉnh chưa được phê duyệt nên ảnh hưởng đến kêu gọi ĐT. Hiện nay các QH ngành như: trồng trọt, chăn nuôi, 3 loại rừng, thủy sản, du lịch... hầu hết đã kết thúc thời kỳ QH, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho phép kéo dài, điều chỉnh các QH ngành đến khi QH tỉnh được phê duyệt.

Đối với QH xây dựng và QH đô thị, đến nay tỷ lệ phủ kín QH chung xây dựng đô thị đạt 100%; tỷ lệ phủ kín QH phân khu so với diện tích đất xây dựng đô thị đạt 62,25%; QH chi tiết 1/500 toàn tỉnh đạt 15,4%; tỷ lệ phủ kín QH chung xây dựng xã đạt 100%. Tuy nhiên, đối với các khu chức năng về du lịch, văn hóa, thể thao... theo quy định chưa được lập QH chung hoặc QH phân khu cũng ảnh hưởng nhiều đến việc kêu gọi ĐT và thực hiện DA.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Đại Viên, Luật QH được thông qua từ năm 2017 nhưng quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do Luật QH còn bất cập, có quy định chưa phù hợp, chưa rõ ràng. Đáng chú ý là QH cấp dưới phải phù hợp với QH cấp cao hơn, nhưng do QH tổng thể quốc gia, các QH quốc gia chưa lập, phê duyệt xong nên không có căn cứ để lập các QH cấp dưới và khi các QH thời kỳ 2011-2020 hết hiệu lực thì không còn cơ sở để thực hiện các DA ĐT và phát triển kinh tế - xã hội.

Các công trình đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Ảnh: Bảo Phước

Theo UBND tỉnh, đến nay tiến độ lập QH tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các QH khác trên địa bàn còn chậm so với kế hoạch đề ra. Ngoài nguyên nhân khách quan, công tác chỉ đạo, phối hợp tham mưu lập QH của một số sở, ngành, địa phương chưa thực sự được ưu tiên và quan tâm đúng mức, chưa chú trọng dành thời gian nghiên cứu các quy định của luật pháp liên quan QH. Năng lực thẩm tra, thẩm định trình phê duyệt QH của các cơ quan quản lý Nhà nước chưa cao; có QH vừa mới được phê duyệt khi áp dụng vào thực tế gặp vướng mắc phải tiến hành điều chỉnh nhiều lần.

Ngoài ra, Thừa Thiên Huế có đặc thù về di sản nên khó chọn được đơn vị tư vấn đủ năng lực để lập QH. Do đó phải tổ chức 2 lần mời thầu mới lựa chọn được đơn vị tư vấn lập QH tỉnh; đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tiến độ lập QH có chậm so với yêu cầu đề ra.

Ưu tiên nguồn lực lập quy hoạch

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, cần xác định công tác tổ chức lập và phê duyệt các loại QH trên địa bàn tỉnh là một giải pháp đột phá để kêu gọi, triển khai các DA ĐT, góp phần quan trọng trong việc quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban ngành, địa phương xác định đây là nhiệm vụ ưu tiên thực hiện. Đối với QH tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương phải tập trung phối hợp, đôn đốc đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ lập QH, rà soát các QH tích hợp vào QH tỉnh. Khẩn trương hoàn thiện báo cáo để tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành Trung ương, trình Hội đồng thẩm định Quốc gia, HĐND tỉnh và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý I/2023.

Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ QH chung đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, phấn đấu hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 9/2023. Song song với đó, các sở, ban, ngành, địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng để tổ chức lập các QH phân khu; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ lập QH Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý I/2023.

UBND tỉnh cũng đã thành lập Ban chỉ đạo lập QH tỉnh, QH chung đô thị tỉnh và các tổ công tác giúp việc nhằm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt các loại QH trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tính chủ động, sẵn sàng trong kêu gọi, thu hút các DA ĐT ngoài ngân sách.

Bố trí vốn lập quy hoạch

Từ năm 2020 đến nay, UBND tỉnh bố trí vốn 83,7 tỷ đồng để thực hiện 53 DAQH; trong đó 12 DAQH chung với số vốn đã bố trí 9,7 tỷ đồng; 40 DAQH phân khu xây dựng với số vốn đã bố trí 18,9 tỷ đồng; DA lập QH tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là 55 tỷ đồng. Năm 2023, UBND tỉnh tiếp tục ưu tiên bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ các DAQH quan trọng như: DA lập QH tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; DAQH chung đô thị Thừa Thiên Huế…

THÁI BÌNH