Cán bộ Trường đại học Nông Lâm (ĐH Huế) tham quan sản phẩm khoa học công nghệ

Có chuyển biến, nhưng chưa tương xứng

Mới đây, khi đánh giá hoạt động chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm KHCN, đại diện Phòng Khoa học hợp tác quốc tế & Thông tin thư viện, Trường ĐH Nông Lâm cho biết, trong giai đoạn 2015-2020, đã có 18 đề tài chuyển giao thành công các quy trình công nghệ cho các địa phương và doanh nghiệp, thu về tổng kinh phí được hơn 2 tỷ đồng. Theo thống kê, có 65 quy trình công nghệ đã được áp dụng và chuyển giao; 126 quy trình công nghệ đã được hoàn thiện, có khả năng chuyển giao để áp dụng trong thực tiễn. Hiện nay, nhà trường đang áp dụng quy định nghiệm thu tất cả các quy trình công nghệ của các đề tài từ cấp ĐH Huế trở lên, do đó số lượng quy trình công nghệ tăng lên khá nhiều và được công nhận để tiến hành chuyển giao cho các địa phương, đối tác khác có nhu cầu.

Trường ĐH Nông Lâm là một trong nhiều đơn vị của ĐH Huế triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy lĩnh vực KHCN. Nhìn vào số sản phẩm được chuyển giao, thương mại hoá của ĐH Huế, cũng có thể thấy từ năm 2017 đến nay đã có những chuyển biến tích cực. Nếu năm 2017 và 2018, ĐH Huế lần lượt chỉ có 3 và 7 sản phẩm được chuyển giao, thương mại hóa thì đến năm 2021, con số đó tăng lên là 12.

TS. Nguyễn Chí Bảo, Phó Trưởng ban Khoa học, Công nghệ và Quan hệ Quốc tế - ĐH Huế cho biết, trong giai đoạn 2017-2021, ĐH Huế có 35 sản phẩm KHCN được chuyển giao cho các địa phương, doanh nghiệp với tổng trị giá khoảng 4,84 tỷ đồng; riêng năm 2022 đã có 9 sản phẩm chuyển giao trị giá hơn 2,4 tỷ đồng.

“Các sản phẩm được chuyển giao, thương mại hóa thành công trong năm 2022 có thể kể đến: Ứng dụng KHCN sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh từ nguồn nguyên liệu ở địa phương để phát triển chăn nuôi bò thịt tại tỉnh Quảng Ngãi; Sản xuất thử nghiệm giống gà H're tại một số tỉnh vùng Bắc Trung Bộ; Điều tra, đánh giá đất đai và thành lập bản đồ thổ nhưỡng tại các xã vùng Tây Bắc, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An…”, đại diện ĐH Huế kể.

Xét về góc độ tích cực, những số liệu nói trên cho thấy hoạt động chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu đang có những điểm sáng bởi lĩnh vực này trước đây luôn tồn tại nhiều khó khăn với các trường ĐH trong cả nước. Tuy nhiên, xét về góc độ thế mạnh đội ngũ và năng lực nghiên cứu thì số lượng các sản phẩm KHCN được chuyển giao, thương mại hóa cũng như nguồn thu từ hoạt động này còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của ĐH Huế.

Đại diện Ban Khoa học, Công nghệ và Quan hệ Quốc tế - ĐH Huế trăn trở, trên thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải giải quyết. Loại hình nghiên cứu ứng dụng từ các đề tài, nhiệm vụ KHCN các cấp cũng như các nhóm nghiên cứu mạnh còn ít. Sự liên kết giữa 3 nhà: Nhà nước - nhà khoa học và doanh nghiệp chưa thực sự chặt chẽ dẫn đến các hoạt động kết nối chuyển giao công nghệ hiệu quả chưa cao. ĐH Huế chưa có đơn vị/bộ phận chuyên trách về hoạt động chuyển giao, thương mại hóa. Việc thành lập doanh nghiệp và hướng đến doanh nghiệp KHCN trong cơ sở giáo dục ĐH vẫn còn gặp phải những vướng mắc nhất định. Mặt khác, có nhiều sản phẩm KHCN rất tiềm năng và ĐH Huế có thể tự thương mại được thay vì phải tìm kiếm doanh nghiệp để chuyển giao, tuy nhiên khi chưa thành lập được doanh nghiệp sẽ có những khó khăn khi thương mại hóa sản phẩm…

Linh hoạt thay đổi

Trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các cơ sở giáo dục ĐH ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình không chỉ với sứ mệnh đào tạo, nghiên cứu KHCN, mà còn bởi vai trò thứ ba - sứ mệnh tạo ra giá trị cho xã hội thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ.

Với ĐH Huế, trong lộ trình phát triển, mục tiêu đến 2030, tầm nhìn 2045 ĐH Huế phấn đấu có 35-40 công nghệ/sản phẩm được chuyển giao có nguồn thu từ 300 triệu đồng trở lên. Tỷ trọng nguồn thu từ các hoạt động KHCN trong tổng thu của ĐH Huế đạt ít nhất 25%, có ít nhất 5 doanh nghiệp KHCN hoạt động đến năm 2030.

Để thực hiện được mục tiêu phải triển, ĐH Huế cần linh hoạt giải pháp, huy động nguồn lực dùng chung và sức mạnh tập thể, tạo dựng được môi người nghiên cứu khoa học cũng khơi dậy và phát huy được năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học.

Lãnh đạo ĐH Huế nhìn nhận, ĐH Huế cũng cần điều chỉnh Quy chế khai thác thương mại các tài sản trí tuệ tại ĐH Huế, tăng tỷ lệ phân chia lợi nhuận cho tác giả và đồng tác giả. Bên cạnh đó, cần phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh để giới thiệu, quảng bá và trưng bày các sản phẩm KHCN có tiềm năng ứng dụng của ĐH Huế lên Sàn giao dịch công nghệ Thừa Thiên Huế. Thúc đẩy và tăng cường phê duyệt các nhiệm vụ KHCN có cam kết chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm; các nhóm nghiên cứu mạnh ứng dụng.

Với thực trạng có những khó khăn chung, ĐH Huế cũng cần ngồi lại với các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và tăng cường kết nối, ký kết hợp tác với các đối tác trong nước (cấp quốc gia, bộ, tỉnh, huyện, doanh nghiệp) và quốc tế để tìm kiếm, xây dựng các đề tài, dự án có quy mô lớn về kinh phí. Trong đó, chú trọng gắn kết với các tỉnh ở miền Trung - Tây Nguyên. Đồng thời, cần đầu tư trọng điểm các dự án/đề tài KHCN phù hợp với nhu cầu thực tiễn, liên hệ đơn vị, địa phương, doanh nghiệp có nhu cầu để ký kết chuyển giao…

Bài, ảnh: HỮU PHÚC