Kinh tế xanh được xem là xu thế tất yếu của sự phát triển bền vững. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

“Không thể phủ nhận tác động của biến đổi khí hậu đối với nền kinh tế và xã hội. Có thể thấy, nếu không có hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, khu vực APEC có thể sẽ phải gánh chịu những tổn thất lên tới 18,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2050”, bà Rhea C. Hernando, một nhà nghiên cứu cấp cao của Đơn vị Hỗ trợ Chính sách APEC cho biết.

Bên cạnh đó, cũng có những hậu quả đáng kể về sức khỏe, nhiệt độ gia tăng có thể làm trầm trọng thêm các bệnh về đường hô hấp, trong khi mưa xảy ra thường xuyên có thể làm gia tăng các đợt bùng phát bệnh sốt rét và sốt xuất huyết, bà Rhea C. Hernando lưu ý thêm.

Ước tính đến năm 2030, tổn thất trực tiếp do biến đổi khí hậu đối với sức khỏe có thể lên tới khoảng 2 - 4 tỷ USD mỗi năm. Đáng chú ý, khu vực APEC chiếm khoảng 60% lượng phát thải khí nhà kính (GHG) toàn cầu hồi năm 2019.

Nhà nghiên cứu cấp cao của Đơn vị Hỗ trợ Chính sách APEC cho rằng: “Để chống lại biến đổi khí hậu, việc cắt giảm phát thải khí nhà kính đóng vai trò rất quan trọng và quá trình khử carbon là cần thiết. Lấy nhiên liệu hóa thạch làm ví dụ, loại nhiên liệu này góp phần đáng kể vào tình trạng biến đổi khí hậu, khi chiếm hơn 75% lượng phát thải khí nhà kính”.

Được biết, bản tóm tắt chính sách có tiêu đề “Chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững trong khi đảm bảo sự hòa nhập” đưa ra cảnh báo, cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ tác động không cân xứng đến các nhóm dễ bị tổn thương, chẳng hạn như phụ nữ, người nghèo, công nhân lao động, người khuyết tật, và người dân bản địa trên toàn khu vực.

Liên quan đến vấn đề này, bà Rhea C. Hernando khẳng định: “Việc chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp cần đảm bảo sự hòa nhập của họ, đặc biệt là khả năng tiếp cận các cơ hội việc làm phù hợp. Một cách để đảm bảo sự hòa nhập trong khi thực hiện điều này là áp dụng khuôn khổ chuyển đổi công bằng”.

Cũng theo bản tóm tắt chính sách, các chính sách thương mại và đầu tư có thể được điều chỉnh thêm, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp xanh, tăng cường việc làm xanh và đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng khác để quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đạt được sự thành công là những cải cách cơ cấu. Những cải cách này đòi hỏi các chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững, và một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp bền vững.

Ngoài ra, số hóa có khả năng đẩy nhanh đáng kể quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Các công nghệ kỹ thuật số có thể được áp dụng trên các lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, và cắt giảm phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, bản tóm tắt chính sách nói trên cũng chỉ ra rằng, số hóa đi kèm với những thách thức riêng, bao gồm cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ, những rủi ro liên quan đến an ninh mạng và quyền riêng tư dữ liệu, cũng như các thách thức pháp lý và quy định cần được giải quyết một cách đầy đủ để theo kịp các thay đổi kỹ thuật số năng động, đồng thời ngăn chặn rủi ro trở thành hiện thực.

Bằng cách áp dụng một khuôn khổ chuyển đổi công bằng, các nền kinh tế thành viên đặt lợi ích của xã hội và cộng đồng lên hàng đầu. Tư duy này sẽ ảnh hưởng đến hành động của các Chính phủ và định hướng những chính sách hướng tới việc xây dựng một tương lai bền vững và bao trùm dành cho tất cả mọi người.

Lê Thảo (Lược dịch từ Apec.org)