COP15 - Cơ hội bảo vệ Trái đất trước khủng hoảng đa dạng sinh học. Ảnh minh họa: TTXVN/Vietnam+ 

“Một vòng đàm phán tiềm năng khác cần được thực hiện để chúng tôi có thể sắp xếp các nguồn lực và tham vọng. Tuy nhiên, tôi rất lạc quan rằng khi các mục tiêu chính đã được hoàn thành và nhìn chung không có sự phản đối nào với các mục tiêu này, chúng tôi đã đạt được một bước tiến rất quan trọng”, Bộ trưởng Bộ Môi trường Colombia Susana Muhamad cho biết.

Theo đó, các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng rằng một thỏa thuận đầy tham vọng có thể thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên tương tự như cách Thỏa thuận Paris năm 2015 đã giúp huy động các nỗ lực hạn chế lượng khí thải Carbon làm trái đất nóng lên.

Dự thảo, dựa trên kết quả của hai tuần đàm phán vừa qua, đặt mục tiêu tài chính quan trọng là 200 tỷ USD/năm dành cho các sáng kiến bảo tồn.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đưa ra mức hỗ trợ để bảo vệ 30% đất và nước vào năm 2030, một mục tiêu mang tính bước ngoặt, được gọi một cách không chính thức là 30x30 và đề xuất khôi phục 30% diện tích đất bị suy thoái.

“Chúng tôi nhạc nhiên rằng dự thảo thực sự nắm bắt được hầu hết những điều chúng tôi muốn hướng tới. Cụ thể, về mục tiêu khôi phục, dự thảo đã đạt được mục tiêu tham vọng hơn là 30%, thay vì 20%. Điều này thực sự tốt, đầy tham vọng và cần thiết”, một đại biểu từ châu Âu tham gia hội nghị cho biết.

Các doanh nghiệp cũng nên được yêu cầu đánh giá và tiết lộ mức độ ảnh hưởng và bị ảnh hưởng của họ do mất mát thiên nhiên.

Cao ủy EU về Môi trường, Đại dương và Nghề cá Virginijus Sinkevicius trả lời phóng viên rằng, các nhà đàm phán đang “đi đúng hướng” để hoàn tất thỏa thuận, song ông nhấn mạnh vẫn còn những thiếu sót về mục tiêu số lượng và bày tỏ lo ngại về việc tăng tài trợ từ các nước phát triển.

Được biết, các bộ trưởng và quan chức chính phủ từ gần 200 quốc gia cần đi đến thống nhất về 23 mục tiêu được đề xuất trước nửa đêm ngày 19/12.

Chưa rõ trong chi tiết

Tuy lạc quan, song các nhà vận động môi trường cũng bày tỏ lo lắng về cách diễn đạt của mục tiêu 30x30 có thể không giải quyết thỏa đáng việc bảo tồn đại dương.

Trong đó, mục tiêu đề cập đến việc bảo vệ ít nhất 30% diện tích đất liền, vùng nước nội địa, vùng ven biển và biển.

Tuy nhiên, nó không làm rõ liệu điều này có nghĩa là 30% đất liền và 30% đại dương riêng biệt hay không, Brian O’Donnell, Giám đốc Chiến dịch phi lợi nhuận vì Thiên nhiên chia sẻ, qua đó thúc giục Trung Quốc cần nhanh chóng làm rõ mục tiêu của mình.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Cố vấn chính sách Toàn cầu Cấp cao tại Greenpeace East Asia Li Shuo cho biết: “Mục tiêu nên chia nhỏ đất liền và biển để đảm bảo 30% tương ứng áp dụng cho từng đề mục”.

Huy động tài chính

Dự thảo khuyến nghị phân bổ 200 tỷ USD/năm từ tất cả các nguồn, bao gồm cả khu vực công - tư cho các sáng kiến bảo tồn - một mục tiêu được coi là rất quan trọng để thực hiện thành công bất kỳ thỏa thuận nào.

Các nước đang phát triển đang thúc đẩy một nửa trong số 200 tỷ USD này, tức 100 tỷ USD/năm, sẽ chảy từ các nước giàu sang các nước nghèo hơn.

Ngoài ra, dự thảo cũng lưu ý rằng tiền có thể đến từ bất kỳ quốc gia nào một cách tự nguyện, qua đó thể hiện sự đồng tình với mong muốn của các quốc gia phát triển rằng các nước có nền kinh tế lớn, chẳng hạn như Trung Quốc cũng đóng góp quỹ.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA)