Cần có chế độ chính sách để giáo viên yên tâm đứng lớp
Không tuyển ồ ạt
Thiếu giáo viên đang là vấn đề nan giải của nhiều địa phương. Ngoài chuyện khó tuyển dụng, còn có lý do tăng quy mô học sinh, chuẩn sĩ số học sinh trên lớp giảm so với trước đây. Chưa kể, đến năm 2026, các địa phương phải tinh giản 10% biên chế. Trong khi, giáo dục là ngành có số lượng lớn biên chế, vì đặc thù nhiều trường lớp. Chuyện giáo viên xin nghỉ việc tiếp tục gây áp lực lên ngành giáo dục. Mặt khác, việc dự báo, tính toán nhu cầu của các địa phương chưa sát, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế... dẫn đến thiếu giáo viên.
Có rất nhiều phương án để điều chỉnh thừa, thiếu giáo viên ở các địa phương. Chẳng hạn, có những môn học ít số tiết, lại ít lớp thì không nhất thiết bộ môn đó phải có một biên chế. Chẳng hạn, một số giáo viên chuyển về gần nhà; chuyển giáo viên từ vùng thừa, sang vùng thiếu; luân chuyển giáo viên từ trường lớn về các trường nhỏ để nâng cao chất lượng giảng dạy, quản lý. Điều chuyển giáo viên ở các trường mới mở rộng để phân bố về các trường ở trung tâm TP. Huế.
Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, do đội ngũ giáo viên vẫn còn dôi dư khá nhiều nên địa phương sẽ sắp xếp lại để hạn chế thấp nhất tình trạng thừa thiếu cục bộ. Mặt khác, số giáo sinh đã tốt nghiệp từ các trường sư phạm vẫn còn, ước tính khoảng 1.000 người và vẫn chưa xin được việc làm, hoặc nếu có thì làm việc theo diện hợp đồng ngắn hạn. Để tránh lãng phí nguồn nhân lực, tỉnh chủ trương tận dụng đội ngũ này trong một vài năm tới bằng cách tuyển dụng hoặc thực hiện cơ chế hợp đồng.
Ông Tân cho rằng, nếu tuyển bằng mọi cách sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sau này. Vì thế, sở đang phối hợp với Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế rà soát sinh viên sắp ra trường cũng như làm việc với các huyện, thị xã để tính toán, có lộ trình hợp đồng, tuyển dụng.
Cần có chế độ chính sách để giáo viên yên tâm đứng lớp
Tuyển dụng công khai, minh bạch
Nghị định số 116/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 25/9/2020 quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm chính thức có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, áp dụng từ khóa tuyển sinh năm học 2021-2022. Một trong những điểm nhấn của Nghị định này là cho phép đào tạo giáo viên theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu. Với những sinh viên được đào tạo theo hình thức đấu thầu, đặt hàng sẽ được Nhà nước chi trả phí đào tạo.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc các em sẽ trở thành giáo viên sau khi ra trường. Tức là, các em vẫn phải trải qua kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành giáo dục. Theo đó, các em có thể trúng tuyển hoặc không trúng tuyển. Không có bất cứ điều khoản nào quy định chế độ tuyển dụng đặc cách với những sinh viên sư phạm tốt nghiệp bằng phương thức đào tạo đặt hàng. “Đầu vào” và “đầu ra” vẫn chưa tương thích nên chưa có tiếng nói chung. Đây cũng là lý do việc triển khai đặt hàng đào tạo giáo viên vẫn còn khó khăn.
Sở GD&ĐT đã xây dựng đề án về nhu cầu tuyển dụng, sử dụng giáo viên; trong đó có đề cập cơ chế đặt hàng, đấu thầu với các trường sư phạm để đào tạo đội ngũ giáo viên cho địa phương. Đề án đã được lãnh đạo tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, việc triển khai chưa được tiến hành. "Tuyển dụng phải quan tâm đến chất lượng, công khai minh bạch để đảm bảo đầu vào sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc", ông Tân nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài yếu tố kinh phí, mấu chốt vấn đề là cơ chế việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Nghĩa là, những giáo sinh thuộc diện đặt hàng, địa phương cần có trách nhiệm phân công, sắp xếp công việc cho người tốt nghiệp theo cam kết. Thậm chí, việc tuyển người đi học theo diện này phải được công khai, minh bạch và có giám sát của HĐND, MTTQ các cấp nhằm loại bỏ những trường hợp thân quen, gửi gắm từ lúc vào học đến khi ra trường đi làm. Bởi, nếu không cẩn trọng và để xảy ra những sai sót trong quá trình này sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.
Để không thiếu giáo viên cũng cần có giải pháp ngăn, giảm số lượng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc, bỏ việc. Trong đó, vấn đề tăng lương, nâng phụ cấp ưu đãi, nhất là đối với giáo viên mầm non, tiểu học phải được thực hiện một cách cấp bách. Quan trọng hơn, cải thiện môi trường làm việc và hỗ trợ về mặt chuyên môn cho giáo viên. Phụ huynh, học sinh cũng cần có sự chia sẻ, đồng hành với giáo viên để giảm áp lực, nhất là giáo viên dạy liên môn trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bài, ảnh: Huế Thu