Tuyến đê Tây phá Tam Giang qua huyện Quảng Điền nhiều đoạn xuống cấp, gây khó khăn cho sản xuất
Nhiều tuyến đê đã “lạc hậu”
Toàn tỉnh có hàng trăm km đê biển, đầm phá và nội đồng, bảo vệ sản xuất hơn 50 nghìn ha lúa/năm. Qua thời gian, những tuyến đê xây dựng đã lâu không chỉ hiện trạng xuống cấp mà cao trình còn “lạc hậu” so với diễn biến của thời tiết ngày một cực đoan. Không chỉ chính vụ mà triều cường cộng mưa lớn ở đồng bằng trái vụ cũng gây nên hiện tượng nước mặn tràn đê, xâm nhập ruộng đồng.
Khảo sát của PV cho thấy, tuyến đê Tây phá Tam Giang qua địa bàn xã Hương Phong (TP. Huế) với chiều dài gần 7km với chức năng ngăn mặn, bảo vệ sản xuất cho gần 300ha lúa Hương Phong và vùng phụ cận, đến nay đã xuống cấp nhiều điểm. Đặc biệt, đoạn từ khu vực Rú Chá dẫn lên phía cầu Thảo Long hiện trạng mặt đê xuất hiện nhiều điểm nứt nẻ, mưa lớn với triều cường làm trôi đi lớp vữa bê tông bề mặt, để lộ ra lớp đá dăm. Một số tuyến chân đê bị xói lở, nứt nẻ; các vị trí cống trên mặt đê lòi cả sắt chịu lực…
Ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc HTX NN Thuận Hòa (Hương Phong, TP. Huế) cho biết, tuyến đê Tây phá Tam Giang do được đầu tư nâng cấp đã lâu (từ giai đoạn 2006 đến 2011) với cao trình thấp nên vào mùa triều cường, ngay cả lũ trái vụ, nước mặn cũng tràn qua mặt đê vào ruộng gây chết lúa, cá tôm. “Phía ngoài tuyến đê Tây phá Tam Giang còn có tuyến đê cũ Bàu Lác dài hơn 1km được đắp bằng đất, cao hơn đê mới 40cm cũng bị triều cường tràn mặt đê, đánh vỡ nhiều đoạn. Hàng năm HTX bỏ kinh phí từ 50-60 triệu đồng gia cố nhưng vẫn hư hỏng.”, ông Bình cho biết thêm.
Tương tự, tuyến đê Tây phá Cầu Hai qua địa bàn xã Vinh Hà (Phú Vang) được đầu tư giai đoạn năm 1993-1998 đến nay đã xuống cấp nhiều đoạn ở mặt, chân đê, gây khó khăn đi lại cũng như sản xuất nông nghiệp trong khu vực. Đây là tuyến đê được đầu tư nâng cấp để ngăn mặn, chống lũ bảo vệ cho hơn 450ha vùng Bầu Ô và các vùng lân cận. Người dân kiến nghị ngành chức năng quan tâm bố trí vốn để đầu tư nâng cấp phục vụ sản xuất.
Từng bước đầu tư
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, những năm qua, việc nâng cấp hệ thống đê bao nội đồng trên địa bàn toàn tỉnh bằng nhiều nguồn vốn khác nhau đã đầu tư nâng cấp được gần 100km, với kinh phí xây dựng gần 500 tỷ đồng. Ngoài ra, hệ thống đê nội đồng kết hợp giao thông Phong Bình - Phong Chương - Điền Hòa - Điền Lộc (Phong Điền) dài khoảng 10km, với kinh phí 17,4 tỷ đồng, đang triển khai thực hiện bằng nguồn ngân sách trung hạn của tỉnh.
Ông Đặng Văn Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, do các công trình đã đầu tư từ lâu, ảnh hưởng tác động của mưa lũ, hiện nay có nhiều công trình đã xuống cấp, hư hỏng không đáp ứng được nhiệm vụ tưới tiêu, ngăn mặn giữ ngọt như hệ thống đê bao kênh mương nội đồng, hệ thống đê ngăn mặn ven phá… phải có kinh phí rất lớn để nâng cấp, duy tu, sửa chữa nhằm đảm bảo nhiệm vụ theo thiết kế đã đề ra. Đặc biệt, các công trình 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới bị xuống cấp nặng. Trong khi đó, ngân sách đầu tư xây mới, sửa chữa nâng cấp các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng hàng năm còn hạn chế, vượt khả năng cân đối của các địa phương trong tỉnh.
Theo Sở NN&PTNT, đối với tuyến đê Tây phá Tam Giang đoạn qua xã Hương Phong qua kiểm tra, công trình vẫn đang ổn định, đảm bảo nhiệm vụ và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thiên tai và công trình đã được đầu tư từ lâu nên một số vị trí trên tuyến đê bị lún, mặt đê tại một số đoạn bị bong tróc cục bộ, ảnh hưởng đến giao thông đi lại và sản xuất nông nghiệp.
Để đảm bảo phục vụ sản xuất, giao thông đi lại và hạn chế những hư hỏng tiếp theo trước mắt, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND TP. Huế hằng năm bố trí kinh phí để duy tu, sửa chữa, bảo trì công trình, đồng thời có biện pháp cấm xe tải trọng nặng chạy trên đê để hạn chế ảnh hưởng đến tính ổn định và hư hỏng tuyến đê.
Thời gian đến, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với địa phương theo dõi và có kế hoạch sửa chữa nâng cấp các đoạn bị hư hỏng. Ngoài ra, dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển tỉnh đang trình phê duyệt hạng mục dự án nâng cấp tuyến đê Tây phá Tam Giang đoạn phía ngoài khu rừng ngập mặn Rú Chá đến Cồn Tè qua xã Hương Phong với chiều dài khoảng 1km, dự kiến triển khai vào đầu năm 2023.
Đối với tuyến đê Tây phá Cầu Hai đoạn qua xã Vinh Hà, trong giai đoạn từ 2017-2020, bằng nguồn vốn khắc phục lụt bão Trung ương, ngành chức năng đã đầu tư sửa chữa, kiên cố hóa 3 mặt đê với chiều dài khoảng 4km (từ cống Phường 6 đến cống Quan), phục vụ sản xuất cho khoảng 500ha đất nông nghiệp vùng Bầu Ô. Tuy nhiên, một số đoạn còn lại (từ cống Hà Mướp đến cống Phường 6 dài khoảng 3,5km) do nguồn kinh phí của tỉnh còn hạn chế, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được thông qua và tập trung đầu tư các vị trí sạt lở nặng, xung yếu. Do đó, UBND tỉnh đề nghị UBND huyện Phú Vang, UBND xã Vinh Hà chủ động sửa chữa, khắc phục các điểm hư hỏng cục bộ, đảm bảo an toàn cho tuyến đê, bảo vệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp.
Toàn tỉnh có tổng chiều dài đê biển được phê duyệt là 181km (trong đó có 174 cống) bảo vệ hơn 11 nghìn ha lúa và gần 40 nghìn dân, tuyến đê sau khi được đầu tư chịu được bão cấp 9 và triều cường 5%. Từ năm 2006 đến nay bằng nguồn vốn của Trung ương và địa phương, chỉ mới đầu tư được khoảng 80km với tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng. Còn lại hơn 100km và hơn 100 cống lớn nhỏ chưa được đầu tư. Tuy nhiên, do thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của lũ, lụt và tác động của sóng, gió và thủy triều của đầm phá nên nhiều đoạn đê tiếp tục bị xuống cấp cần đầu tư trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Hà Nguyên