Chính phủ yêu cầu thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền thưởng cuối năm cho người lao động. Ảnh: TTXVN

Ghi nhận từ công đoàn cơ sở, tình trạng người lao động tại các tỉnh rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn diễn gia tăng; chưa có giải pháp thực sự hữu hiệu để hạn chế. Nhiều nơi tín dụng đen vẫn xâm nhập vào đời sống của công nhân, lao động. Do đó, người lao động mong muốn Đảng, Nhà nước có thêm nhiều chính sách mới để cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Những tháng cuối năm 2022, đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp chế biến gỗ, dệt may, da giày bị thiếu, cắt giảm đơn hàng, dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống. Theo báo cáo của các cấp công đoàn, có 441 doanh nghiệp với tổng số 624.786 lao động tại 25 tỉnh, thành phố, bị ảnh hưởng, trong đó có 562.400 lao động bị giảm giờ làm, 31.370 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 31.012 lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc.

Công đoàn đoàn các tỉnh, ngành đã chỉ đạo công đoàn cấp trên, công đoàn cơ sở (CĐCS) nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh, đơn hàng và tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp; tham gia, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động duy trì việc làm, hạn chế tối đa việc chấm dứt hợp đồng lao động; tham gia ý kiến vào phương án sử dụng lao động của doanh nghiệp; đảm bảo chi trả các chế độ mất việc làm hoặc thôi việc theo đúng quy định của pháp luật và của doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể; báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, chấp hành các chế độ đối với người lao động đang làm việc, giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động; kết nối các CĐCS doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng lao động để giới thiệu việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến quyền lợi của người lao động chưa nghiêm, nhất là các quy định về tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội. Cá biệt có những doanh nghiệp mặc dù sản xuất kinh doanh tăng trưởng vẫn lợi dụng ảnh hưởng tình hình dịch bệnh nhằm không tăng hoặc cắt giảm các phúc lợi đã thỏa thuận dẫn đến những bức xúc trong công nhân lao động. Tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra ở nhiều địa phương với tổng số tiền nợ (phải tính lãi) là gần 14.600 tỉ đồng, chiếm 3,4% số phải thu.

Theo Báo Tin tức