Một góc gian hàng tết tại siêu thị Coopmart Huế

Tăng từ 50-150%

Bà Dương Thị Tuất – Giám đốc siêu thị Coopmart Huế cho biết, từ đầu tháng 12, lượng khách đến siêu thị mua sắm đông hơn hẳn những tháng khác trong năm. Khách chủ yếu đến chọn lựa, mua hàng sử dụng cho thời điểm Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023.

Theo bà Tuất, từ đây đến cuối năm luôn là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao nên Coopmart Huế đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng từ 30 – 50% so với cùng kỳ từ vài tháng trước tết với hầu hết các ngành hàng, như: thực phẩm tươi sống (chủ yếu là rau củ quả, thịt...), nhóm hàng thực phẩm khô, đặc sản, bánh kẹo, đồ uống, giỏ quà tết… Tất cả các nhóm hàng tươi sống, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, minh bạch nguồn gốc.

“Để kích cầu tiêu dùng, siêu thị cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn khi có nhiều mặt hàng giảm lên đến 50%; mua sản phẩm thứ 2-4-6 với giá tốt hơn; dịch vụ giao hàng miễn phí từ hóa đơn 200 ngàn đồng trong bán kính 6km…”, Giám đốc Coopmart Huế cho hay. 

Trong khi đó, đại diện GO! Huế thông tin, từ tháng 9, hệ thống bán lẻ thuộc tập đoàn Central Retail nói chung và siêu thị GO! Huế nói riêng đã làm việc với các nhà cung ứng, các nhà sản xuất lượng hàng hóa phục vụ cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2023. 

Năm nay, tập đoàn chuẩn bị lượng hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán tăng khoảng 80% so với các tháng bình thường, và tăng khoảng 150% so với tết năm ngoái, tập trung vào các mặt hàng bánh kẹo, mứt, rượu, đồ uống, dầu ăn, gạo, nước mắm… Nguồn cung các mặt hàng này cơ bản dồi dào, giá cả không có biến động lớn do đã cam kết giá với các nhà cung ứng.

Cũng từ thời điểm này đến hết ngày 21/12, hệ thống bán lẻ của Central Retail nói chung, siêu thị GO! Huế nói riêng đã tung ra loạt chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giảm giá từ 20 – 50% với gần 700 sản phẩm, trong đó, các sản phẩm dụng cụ nhà bếp giảm 50%; các sản phẩm nước tẩy rửa, lau nhà, nước lau kính, nước giặt, xả thơm quần áo… giảm 35-37%; các loại trái cây tươi và các thực phẩm sấy, đóng gói các loại giảm 40%; thực phẩm ăn liền như bánh Buche, bánh bông lan, bánh cookie, Croissants… giảm 22%; các loại thực phẩm đông lạnh đóng gói giảm 30%. 

Theo đại diện GO! Huế, từ nay tới cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thị trường mua sắm Tết dự báo sôi động ngang hoặc hơn so với các dịp cuối những năm trước đại dịch.

Trên cơ sở này, bên cạnh cung cấp hơn 50 giỏ quà tết có mức giá từ 99 ngàn đồng – 3 triệu đồng/giỏ cùng chương trình chiết khấu 8% - 9% cho các đơn hàng 5 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng; các mặt hàng tiêu dùng nhanh, như bánh kẹo, nước ngọt, bia, rượu với giá cạnh tranh cùng nhiều chương trình khuyến mại mua một tặng một, giảm giá 50%, giá ưu đãi cho thành viên; tăng cường thực phẩm tươi sống, các món ăn chế biến sẵn, thịt lợn, thịt bò, cá, hải sản, rau, trái cây nhập khẩu, đặc sản vùng miền…, từ 22/12/2022 đến 4/1/2023, khi mua sắm tại GO!, Big C với hóa đơn từ 500 ngàn đồng, người tiêu dùng sẽ nhận 1 rút thăm trúng thưởng với tổng giá trị giải thưởng hơn 1,5 tỷ đồng… 

Ngoài 2 siêu thị nói trên, một số doanh nghiệp, chợ bán lẻ lớn trên địa bàn đã có kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2023, như Công ty TNHH TM Thái Đông Anh với kinh phí 35,16 tỷ đồng; Công ty TNHH DVTHTM Hoàng Đạt 17,85 tỷ đồng; Công ty Xăng dầu Thừa Thiên Huế 37,85 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty CP Xăng dầu Dầu khí PV OIL miền Trung tại Huế 84,88 tỷ đồng; chợ Tây Lộc 6,4 tỷ đồng; chợ Đông Ba 18,9 tỷ đồng; chợ An Cựu: 6 tỷ đồng…

Mua sắm tại GO! với hóa đơn từ 500 ngàn đồng, người tiêu dùng sẽ nhận 1 rút thăm trúng thưởng. Ảnh: BẢO PHƯỚC

Đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa

Theo Sở Công thương, dịp Tết Nguyên đán năm nay, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các doanh nghiệp đang phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của tình hình thế giới; lạm phát thế giới tăng cao và sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng khiến nguồn cung, giá cả hàng hóa có nhiều biến động, sức mua khó dự báo. 

Trước thực tế này, Sở Công thương đã lên kế hoạch phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh kết nối cung cầu, tìm kiếm nguồn hàng mới, đặc sản… phục vụ nhu cầu người dân, kích cầu tiêu dùng; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tích trữ, nâng giá, không để đứt gãy nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng, nhất là thời điểm trước và sau tết.

Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, nguồn cung, giá cả hàng hóa, chú trọng các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết như: lương thực, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống (nhất là thịt lợn), xăng dầu,...; làm tốt công tác dự báo thị trường, xác định các nguồn cung để kịp thời chỉ đạo các doanh nghiệp đảm bảo hàng hóa cho nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết.

“Hiện, Sở tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà phân phối lớn trên địa bàn xây dựng, mở rộng mạng lưới phân phối hàng Việt; chủ động đưa hàng Việt về địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và các khu công nghiệp thông qua các phiên chợ đưa hàng về nông thôn, bán hàng bằng xe lưu động… để giới thiệu, cung ứng các mặt hàng sản xuất trong nước chất lượng tốt, bảo đảm ATVSTP, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mua sắm dịp Tết của người dân”, lãnh đạo Sở Công thương cho hay.

HÀN ĐĂNG