Đến dự có các ông: Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Khoa học và Công nghệ; Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Hoàng Khánh Hùng, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, nhà tài trợ...
Trao giải Nhất cho Dự án "Giáo dục trẻ theo triết lý thuận tự nhiên" của tác giả Nguyễn Thị Phương Nam
Nhiều sản phẩm có tính sáng tạo, thiết thực
Đây là lần thứ 7 cuộc thi được tổ chức, thu hút 59 hồ sơ hợp lệ dự thi của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp (DN), gồm 2 nhóm lĩnh vực: nông nghiệp, chế biến và khai thác tài nguyên bản địa với 30 hồ sơ (chiếm 50,8 %); ứng dụng công nghệ và ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo khác với 29 hồ sơ (chiếm 49,2 %). Trong đó, có 8 DN (chiếm 13,5%), 31 cá nhân (chiếm 52,5%) và 19 nhóm cá nhân (chiếm 32,2%), 1 HTX (chiếm 1,7%). Đặc biệt, có 33 dự án đã tạo được sản phẩm (chiếm 55,9%).
Hồ sơ dự thi năm nay được đánh giá giàu tính sáng tạo, phong phú, đa dạng trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, du lịch thương mại, nông nghiệp, công nghệ, văn hoá, ẩm thực, nghệ thuật. Các dự án cũng đã thể hiện những chủ trương, định hướng của tỉnh về phát triển sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP trong phương án sản xuất kinh doanh, tìm ra được những giải pháp tối ưu nhằm giải quyết những vấn đề xã hội, có tiềm năng phát triển.
Nhiều sản phẩm khởi nghiệp đã khai thác được giá trị tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống
Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN phát biểu, nhiều dự án tham gia cuộc thi năm nay đã phát triển dựa trên những tiềm năng, tài nguyên bản địa phong phú của Huế để tạo ra các sản phẩm đầy chất sáng tạo như: dự án Vịt quay rút xương, Trà viên xứ Huế, Dự án "Phát triển các sản phẩm từ hàu sữa tại các vùng đầm phá Thừa Thiên Huế", dự án "Đậu phộng Huenuts - Phong Vị Huế, khai vị quốc dân". Một số dự án phát triển ý tưởng trên cơ sở khai thác giá trị văn hoá truyền thống, phát huy tài sản trí tuệ từ những giá trị mang thương hiệu Huế để tạo ra các sản phẩm sáng tạo như: "L’art à Hué - Không gian trải nghiệm văn hóa Huế gắn liền với Áo dài cổ cách tân", "Phát triển sản phẩm lưu niệm lụa Huế", "Các dòng bánh quy, bánh ngói". Một số dự án khai thác các giá trị các làng nghề truyền thống để phát triển ý tưởng như dự án: "Ứng dụng Macrame vào không gian Việt", "Phát triển từ sự giao hoà các làng nghề truyền thống Huế vào trang sức đá thủ công".
Đặc biệt, năm nay tiếp tục có những dự án có tính đổi mới sáng tạo trong việc khai thác tiềm năng của Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về văn hoá, du lịch và giáo dục và đào tạo… để xây dựng và phát triển dự án khởi nghiệp, như dự án "Giáo dục trẻ theo triết lý thuận tự nhiên"...
"Vịt quay rút xương ăn liền" là dự án đạt giải Nhì tại cuộc thi KNĐMST năm 2022
Tiếp tục ươm tạo, phát triển
Trải qua 3 vòng thi sơ khảo, bán kết, chung kết, nhiều ý tưởng, dự án được hỗ trợ rất lớn trong việc hoàn thiện về kỹ năng thuyết trình, định vị sản phẩm, định hướng phát triển ý tưởng, dự án; xây dựng mô hình kinh doanh và tiếp cận thị trường; kết nối nhà đầu tư…, góp phần để các tác giả, nhóm tác giả hoàn thiện ý tưởng, sản phẩm, hình thành các DN khởi nghiệp đi vào hoạt động hiệu quả.
Kết quả, Ban Tổ chức đã chọn ra 11 ý tưởng, dự án xuất sắc nhất để vinh danh, trao giải. Cụ thể, giải Nhất được trao cho Dự án "Giáo dục trẻ theo triết lý thuận tự nhiên". Trao 2 giải Nhì cho 2 dự án:"L’art à Hué - Không gian trải nghiệm văn hóa Huế" và "Vịt quay rút xương ăn liền". 3 giải Ba cho các dự án:"Ứng dụng Macrame vào không gian Việt"; "Đậu phộng Huenuts - Phong Vị Huế, khai vị Quốc Dân"; "Phát triển từ sự giao hoà các làng nghề truyền thống Huế vào trang sức đá thủ công". Ban tổ chức còn trao các giải khuyến khích, giải Chủ tịch UBND tỉnh tặng và trao giấy chứng nhận cho 19 dự án, ý tưởng khởi nghiệp tham gia cuộc thi.
Trao giải Nhì cho 2 nhóm tác giả dự án "L’art à Hué - Không gian trải nghiệm văn hóa Huế" và "Vịt quay rút xương ăn liền"
Ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND cho rằng, thông qua cuộc thi đã giúp tìm kiếm, lựa chọn các ý tưởng, dự án khởi nghiệp chất lượng, có tiềm năng phát triển, một số dự án đạt giải đã vươn sản phẩm khởi nghiệp đến thị trường Mỹ, châu Âu… qua các năm tổ chức. Cuộc thi đã đem lại hiệu ứng xã hội tích cực và sức lan tỏa rộng lớn để hỗ trợ ươm tạo, phát triển thành các DN khởi nghiệp và đưa các dự án, ý tưởng khởi nghiệp đi vào cuộc sống.
Để đẩy mạnh KNĐMST, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định, tỉnh tiếp tục ban hành các cơ chế chính sách đặc thù tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho DN KNĐMST. Thu hút các start up đến khởi nghiệp tại Huế, huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khởi nghiệp tại Huế. Góp phần xây dựng chính quyền kiến tạo, hoạch định các chiến lược phát triển các ngành kinh tế trọng điểm, đặt ra những bài toán, những vấn đề trọng tâm để các DN khởi nghiệp tham gia đầu tư phát triển…
Giải Ba được trao cho 3 dự án khởi nghiệp có ý tưởng sáng tạo, thiết thực với cuộc sống
Các ngành, các cấp tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, các sáng chế, giải pháp hữu ích. Tạo ra hệ sinh thái hỗ trợ DN KNĐMST trên cơ sở hình thành Văn phòng hỗ trợ DN khởi nghiệp tư vấn ươm tạo các ý tưởng KNĐMST; thu thập, tổng hợp các nhu cầu, vấn đề của các DN, startup, từ đó cung cấp, chia sẻ các giải pháp giúp DN, startup giải quyết các bài toán đang gặp phải.
Bên cạnh đó, ngành KHCN cũng sẽ có những chính sách hỗ trợ phát triển các ý tưởng, dự án KNĐMST tham gia cuộc thi qua các năm, nhất là các ý tưởng dự án đạt giải cao để phát triển thành các sản phẩm chất lượng, thiết thực, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG