Những phụ nữ giàu nhất châu Á trong danh sách tỷ phú của Forbes năm 2021. Ảnh: Dpimedia

Theo một phân tích của tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG), phụ nữ ở châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) sẽ nắm giữ khối tài sản trị giá 27.000 tỷ USD vào năm 2026, nhiều hơn 6.000 tỷ USD so với phụ nữ ở Tây Âu. Dữ liệu của BCG cũng chỉ ra rằng tổng tài sản của phụ nữ ở châu Á đã vượt qua Tây Âu vào cuối năm 2021.

Kể từ năm 2019, khối tài sản chung của phụ nữ ở châu Á đã tăng thêm 2.000 tỷ USD/năm. Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng này được dự đoán sẽ tiếp tục ít nhất trong 4 năm tới với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 10,6%.

Phân tích của BCG dựa trên sự giàu có về tài chính, bao gồm quỹ đầu tư, bảo hiểm nhân thọ và lương hưu, cổ phiếu niêm yết và chưa niêm yết, cũng như vốn chủ sở hữu khác, tiền tệ và tiền gửi, trái phiếu và các tài sản tài chính tương tự.

BCG đã phân tích dữ liệu chủ yếu từ Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan, Philippines, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam, Mỹ và một số quốc gia khác.

Tuy nhiên, BCG đã không phân tích dữ liệu tại Nhật Bản và nói rằng, phụ nữ nước này chỉ nắm giữ một phần nhỏ tài sản quốc gia, thấp hơn nhiều so với các thị trường tương đương. Ngoài ra, BCG cho biết tài sản của phụ nữ ở Nhật Bản cũng tăng với tốc độ chậm hơn nhiều, chỉ ở mức 2,6%.

Phân tích của BCG cũng tiết lộ những tiến bộ phi thường mà phụ nữ đã đạt được, làm nổi bật cách phụ nữ thâm nhập vào những ngành nghề mà nam giới vẫn thống trị từ lâu. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy tình trạng bất bình đẳng giới vẫn tồn tại.

Bất bình đẳng gia tăng

Trong vài thập kỷ qua, công nghệ mới, toàn cầu hóa và cải cách theo định hướng thị trường đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng, trong đó nổi bật là bất bình đẳng giới.

Một phân tích của Nikkei châu Á về sự giàu có của nam giới và phụ nữ, được khai thác từ Cơ sở dữ liệu Bất bình đẳng Thế giới, cho thấy 10% những người giàu có nhất sở hữu hơn 60% tài sản, trong khi 50% những người đứng cuối bảng xếp hạng chỉ chiếm giữ khoảng 5% tổng tài sản. Điều này đúng với gần như tất cả các quốc gia được nghiên cứu và khoảng cách ngày càng lớn ở hai quốc gia đông dân nhất trong khu vực là Ấn Độ và Trung Quốc.

Tình trạng bất bình đẳng giới vẫn tồn tại. Ảnh minh hoạ: Young Influx

Một nghiên cứu của Oxfam năm 2016 cho thấy, sự bất bình đẳng trong khu vực mang tính phân biệt giới sâu sắc. Những người giàu nhất trong khu vực chủ yếu là nam giới, trong khi phụ nữ tiếp tục tập trung ở những công việc được trả lương thấp nhất và bấp bênh nhất.

Theo Báo cáo bình đẳng giới toàn cầu năm 2022, phụ nữ ở châu Á dự kiến sẽ tích lũy được 74% tài sản mà nam giới sẽ tích lũy được khi nghỉ hưu.

Trong danh sách tỷ phú hàng năm của Forbes, số nữ tỷ phú ở châu Á đã tăng từ 13 người năm 2010 lên 92 người vào năm 2022. Tuy nhiên, 75% phụ nữ châu Á vẫn làm việc trong khu vực phi chính thức, nơi mà việc làm thường bấp bênh, lương thấp hơn và không được tiếp cận với bảo trợ xã hội. Khoảng cách này sẽ ngày càng lớn khi tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 đẩy nhiều phụ nữ và trẻ em gái vào cảnh nghèo đói.

Dữ liệu cho thấy trong 3 thập kỷ qua, tỷ lệ thu nhập từ lao động của phụ nữ đã tăng đều đặn ở tất cả các quốc gia được khảo sát, ngoại trừ Trung Quốc. Năm 1991, phụ nữ ở Trung Quốc chiếm gần 40% thu nhập lao động của quốc gia, nhưng đến năm 2019, tỷ lệ này giảm xuống còn 33,4%.

Tỷ lệ thu nhập từ lao động của phụ nữ rất khác nhau trên khắp châu Á, trong khi thu nhập từ lao động của phụ nữ ở Pakistan vào năm 2019 chỉ chiếm 7,4% thì con số này ở Việt Nam lên đến gần 42%. Ở các nước Nam Á như Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh, tỷ lệ này thấp hơn so với các nước Đông Nam Á và Đông Á. Theo các nhà phân tích, các hình thức phân biệt đối xử xã hội ở Nam Á được cho là đóng vai trò chính trong việc làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng. 

Ngoài ra, báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy số lượng không cân đối về những việc làm không được trả công do phụ nữ thực hiện cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tham gia lực lượng lao động. Cụ thể, trên toàn thế giới, phụ nữ đảm nhận 76% công việc chăm sóc không được trả lương, cống hiến nhiều gấp 3 lần so với nam giới. Ở Bangladesh, phụ nữ dành tới 6 giờ cho công việc không được trả lương, trong khi nam giới chỉ làm chưa đến 1 giờ. Các quốc gia Nam Á khác như Ấn Độ và Pakistan cũng có khoảng cách giới khá lớn khi nói đến số giờ dành cho công việc chăm sóc không được trả lương.

Khảo sát về thời gian, đối chiếu dữ liệu về cách các cá nhân sử dụng thời gian của họ trong 24 giờ, là một công cụ quan trọng để đo lường gánh nặng bất bình đẳng của lao động không được trả lương.

Trong một báo cáo khác, tổ chức Phụ nữ LHQ (UN Women) cho biết so với phụ nữ giàu có ở thành thị, phụ nữ nghèo ở nông thôn có khả năng kết hôn trước 18 tuổi cao gấp 5 lần, khả năng không được đi học cao gấp 21,8 lần, khả năng trở thành bà mẹ ở tuổi vị thành niên cao gấp 5,8 lần, và khả năng không có tiền để sử dụng cho các mục đích cá nhân cao gấp 1,3 lần.

Tố Quyên (Lược dịch từ Nikkei Asia)