Phối cảnh cầu vượt sông Hương và đường Nguyễn Hoàng. Ảnh: BQLDA các CTGT tỉnh Thừa Thiên Huế

Mấy tuần nay trời Huế lạnh. Nhiều trường hợp đã phải nhập viện vì huyết áp tăng đột ngột hoặc tai biến, đột quỵ. Nguyên nhân không có chi lạ là việc các mạch máu trong cơ thể bỗng nhiên bị nghẽn mạch ở một vị trí nào đó, cộng thêm lượng mỡ máu tăng làm cản trở sự lưu thông trong toàn hệ thống. Sự tắc nghẽn này nếu để lâu ngày không giải quyết dễ dẫn đến tình trạng viêm đau, lâu dần dễ chuyển sang tình trạng ung bướu. Từ chuyện mạch máu trong cơ thể làm chúng ta liên tưởng đến tình trạng ùn tắc trong hệ thống giao thông đô thị Huế, nhất là những giờ cao điểm. Làm gì để giải quyết tình trạng trên cũng là nội dung nóng được đặt lên bàn nghị sự trong phiên chất vấn tại nghị trường, kỳ họp lần thứ 5 HĐND tỉnh khóa VIII.

Nguyên nhân của sự việc cũng dễ hiểu bởi đó một phần là tín hiệu tích cực của một đô thị đang chuyển mình mạnh mẽ về quy mô. Quá trình đô thị hóa được đẩy mạnh, diện tích thành phố được mở rộng gần bốn lần, số lượng đơn vị hành chính và dân số tăng, việc mở cửa và lượng du khách trở lại sau đại dịch làm cho Huế trở nên nhộn nhịp, đông đúc hơn. Bên cạnh đó thì những bất cập cố hữu của giao thông đô thị như quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng chưa đồng bộ. Việc phân luồng, phân tuyến chưa mang tính tổng thể. Hơn nữa phương tiện giao thông cá nhân ngày càng gia tăng trong khi ý thức người tham gia giao thông còn nhiều hạn chế nếu không muốn nói là còn yếu kém.

Phương án giải quyết lâu nay của nhiều đô thị trong hoàn cảnh này vẫn là xây dựng đề án tổng thể, đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông đô thị; từng bước đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường; phát triển hệ thống vận tải công cộng, như: tăng lượng xe buýt, tàu điện ngầm, tàu điện trên không, cầu vượt và đường sắt trên cao; tiến hành phân luồng giao thông hợp lý nhất là những giờ cao điểm; điều chỉnh giờ làm việc, giờ học của các cơ quan, công sở và trường học; quy hoạch xây dựng các điểm bãi đỗ xe, hoàn chỉnh các tuyến phố đi bộ; khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng, sử dụng xe đạp và đi bộ…

Tuy nhiên đó mới chỉ là giải pháp chung cho mọi đô thị. Riêng đô thị Huế thì cần nghiên cứu giải quyết những vấn đề mang tính trước mắt và lâu dài cho phù hợp với điều kiện còn hạn chế về nguồn lực, phù hợp với lối sống, sinh hoạt và các đặc điểm, hoàn cảnh riêng của Huế.

Phối cảnh cầu vượt sông Hương. Ảnh: BQLDA các CTGT tỉnh Thừa Thiên Huế

Một số nút giao thông thường xảy ra tắc nghẽn trong giờ cao điểm thường thấy như các ngã tư cắt ngang sông An Cựu dọc tuyến đường Phan Chu Trinh và Phan Đình Phùng, nhất là các điểm có đường sắt đi qua. Tắc đường thường xuyên dọc các tuyến phố chính như Lê Lợi, Hùng Vương, Hà Nội, Nguyễn Huệ. Đặc biệt nhức nhối là tắc nghẽn cầu Phú Xuân (cầu Mới) trong những giờ cao điểm.

Dễ hiểu là Huế đang phát triển mạnh, quá trình đô thị hóa dịch chuyển về phía Đông Nam bởi sự xuất hiện của các công sở, khu đô thị, tập trung các khu dịch vụ thương mại nên nhu cầu người dân di chuyển từ bờ Bắc sông Hương sang bờ Nam và Đông Nam ngày càng gia tăng và tuyến di chuyển tập trung nhất là qua cầu Phú Xuân. Mong muốn của người dân là sau cầu Nguyễn Hoàng được xây dựng ở phía Tây sẽ có một cây cầu thật đẹp mang bản sắc Huế sẽ được dựng lên phía Nam, vượt qua cồn Dã Viên góp phần phân luồng và dãn lưu lượng di chuyển từ phía Bắc sang hướng Đông Nam của thành phố. Nên chăng phải quy định chỉ cho di chuyển một chiều qua cầu Phú Xuân trong những giờ cao điểm.

Mọi người khá lý thú khi Giám đốc sở Giao thông Vận tải Lê  Anh Tuấn trong phát biểu tại nghị trường cho rằng: “giao thông đô thị giống như cái bình thông nhau”, nghĩa là phải phân luồng hợp lý để dàn trải đều lượng người và phương tiện tham gia lưu thông, tránh tập trung tại các điểm trong một khoảng thời gian nhất định. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin nhằm khuyến khích mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân làm việc trong môi trường mạng, hạn chế di chuyển nhất là trong giờ cao điểm.

Điều cuối cùng rất quan trọng là vấn nạn nghẽn mạch giao thông đô thị chỉ được giải quyết tốt khi ý thức của người tham gia giao thông được nâng cao, thật sự trở thành nếp nghĩ, lối sống văn hóa. Mọi người biết nhường đường, biết sắp hàng, không chen lấn tranh đường, thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Có như vậy văn hóa giao thông đô thị mới được đề cao. Bởi chỉ một phương tiện gây tắc nghẽn là cả cơ thể và mạch máu lưu thông bị bế tắc. Xem chừng chúng ta còn phải học tập văn hóa ứng xử của người Nhật nhiều hơn nữa để trả lại sự thông thoáng cho đô thị Huế.

HOÀNG ĐĂNG kHOA