Tại hội thảo khoa học quốc gia: “Các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiến trình thực hiện và một số khuyến nghị” do Học viện Chính sách và Phát triển (APD), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, ngày 1/12, APD cũng đã công bố Chỉ số phát triển bền vững cấp tỉnh (PSDI 2021). Theo đó, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước, với 65,28 điểm; xếp sau là Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Hưng Yên. Riêng Thừa Thiên Huế xếp thứ 20 với 55,28 điểm, đứng thứ 3 khu vực miền Trung - Tây Nguyên (sau Đà Nẵng, Bình Định - thứ 17).

Phát triển bền vững đã và đang trở thành nhu cầu cấp bách và là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển trên toàn thế giới và từng quốc gia. Phát triển bền vững là sự kết hợp và cân bằng ba vấn đề lớn: kinh tế – xã hội và môi trường. Ba vấn đề này đã được giải quyết trong một khung các cam kết có liên quan tới hành động đã được thành lập theo 5 yếu tố: Con người, hành tinh, thịnh vượng, hòa bình và đối tác với nguyên tắc “không bỏ ai lại phía sau”.

Thực hiện cam kết quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 tại Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017. Việt Nam đã xây dựng bộ 17 mục tiêu phát triển bền vững, với 115 mục tiêu cụ thể, dựa trên các mục tiêu được công bố bởi Liên Hợp Quốc. Theo đó, 17 mục tiêu cơ bản của phát triển bền vững gồm: Xóa nghèo; không còn nạn đói; sức khỏe và cuộc sống tốt; giáo dục chất lượng; bình đẳng giới; năng lượng sạch với giá thành hợp lý; công việc tốt và tăng trưởng kinh tế; công nghệ, sáng tạo và phát triển hạ tầng; bất bình đẳng giới; các thành phố và cộng đồng phát triển bền vững; hành động về khí hậu; tài nguyên và môi trường biển; tài nguyên và môi trường đất liền; hòa bình, công lý và các thể chế mạnh mẽ; quan hệ đối tác vì mục tiêu.

Theo đánh giá của các chuyên gia tại hội thảo, Việt Nam đã có những bước phát triển khá tốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs kể từ năm 2015. Năm 2017, xếp hạng thực hiện SDGs của Việt Nam đứng thứ 68, tăng lên hạng 49 vào năm 2020. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, Việt Nam đã tụt xuống và đứng ở vị trí 55 vào năm 2022. Nguyên nhân chính của việc giảm thứ hạng là do thay đổi về mặt phương pháp tính.

Với Thừa Thiên Huế, tuy nằm ở nhóm khá trong bảng xếp hạng, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm trong quá trình xây dựng, phát triển hiện nay. Đặc biệt, với Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”, nên việc phát triển bền vững càng được cộng đồng chú ý, quan tâm.

Thực tế, nhiều nội dung cơ bản về phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh đã được nghiên cứu, đưa vào thực hiện khá sớm. Từ năm 2008, tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2008-2020; năm 2013 tiếp tục ban hành Kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song trên thực tế, phát triển kinh tế - xã hội ở Thừa Thiên Huế vẫn còn dựa nhiều vào việc khai thác tài nguyên, năng suất lao động còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, công nghệ sản xuất, mô hình tiêu dùng còn sử dụng nhiều năng lượng, nguyên liệu và thải ra nhiều chất thải. Nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên đang có xu hướng bị khai thác quá mức, sử dụng lãng phí và kém hiệu quả. Môi trường thiên nhiên ở nhiều nơi bị xuống cấp, ô nhiễm và suy thoái đã và đang là những vấn đề bức xúc... Đây là những thách thức đặt ra với Thừa Thiên Huế trong thời gian tới và cần những giải pháp mang tính đột phá, tạo sự phát triển hài hòa, bền vững, gắn nâng cao chất lượng cuộc sống người dân với bảo vệ môi trường.

Hoàng Minh