Mỏ đá Phong Xuân

Trước đó, ngày 12/12, ông Thái Văn Nhớ phản ánh đến Nhà máy Xi măng Đồng Lâm (Công ty CP Xi măng Đồng Lâm) cùng UBND xã Phong Xuân về việc nổ mìn tại mỏ đá gây ảnh hưởng (sập tường ngăn) chuồng gà trong trang trại của gia đình ông. Cụ thể, hộ ông Nhớ cho rằng, tường ngăn chuồng gà của gia đình bị sập vào thời điểm nhà thầu Khai thác mỏ Tân Việt Bắc tiến hành nổ mìn vào trưa 12/12.

Ngay sau khi nhận được phản ánh, đại diện chính quyền địa phương, Công ty CP Xi măng Đồng Lâm, Nhà thầu Khai thác mỏ Tân Việt Bắc đã có mặt ghi nhận và lập biên bản hiện trường để giải quyết kiến nghị của hộ dân.

Ông Thái Văn Nhớ cho biết, vào thời điểm nổ mìn có rung chấn rõ ràng gây thiệt hại cho trang trại nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất được phương án đền bù hỗ trợ. Phía Công ty CP Xi măng Đồng Lâm đưa ra giá dự toán sửa chữa quá thấp, chỉ làm một số hạng mục, thời điểm này giá vật liệu rất cao. Trong khi ảnh hưởng từ việc nổ mìn, phía trang trại thời gian qua bị nứt, đổ sập tường nhiều hạng mục. Nếu tính chi phí sửa chữa toàn bộ phải 40-45 triệu đồng mới làm hết được.

Theo Công ty CP Xi măng Đồng Lâm vào thời điểm xảy ra vụ việc, các đơn vị có mặt ở hiện trường ghi nhận bức tường ngăn giữa chuồng gà có kích thước dài 5x3m được xây dựng bằng bờ lô đã lâu năm, không có kết cấu thép giằng, chưa rõ nguyên nhân sụp đổ bức tường. Vị trí chuồng gà của gia đình nằm cách đê bao số 1 của mỏ đá khoảng 316m). Các bên liên quan đã lập biên bản hiện trường vụ việc để báo cáo cấp trên xem xét.

Cận cảnh bức tường bị sụp, bờ lô bị vỡ vụn

Lịch nổ mìn ngày 12/12 cho thấy lúc 11 giờ trưa cùng ngày, phía nhà thầu Khai thác mỏ Tân Việt Bắc có tiến hành nổ mìn ở mỏ đá, vị trí bãi nổ cách chuồng gà hộ ông Thái Văn Nhớ khoảng 1km. Theo ghi nhận của tổ giám sát nổ mìn (đứng giám sát ở cầu Cây Mưng cách chuồng gà gia đình ông Nhớ khoảng hơn 300m) - xác nhận lúc nổ chỉ gây rung chấn nhẹ, tiếng nổ nhỏ. Tuy chưa xác định được nguyên nhân gây sụp đổ tường, Công ty CP Xi măng Đồng Lâm cũng đã cử kỹ sư xây dựng đo đạc tính toán khối lượng bức tường bị sụp đổ, hư hỏng nặng để lập dự toán chi phí hỗ trợ giúp hộ dân khắc phục.

Ngày 19/12, Công ty CP Xi măng Đồng Lâm đã phối hợp với nhà thầu Khai thác mỏ Tân Việt Bắc đến gặp chủ hộ Thái Văn Nhớ để trao đổi phương án xử lý bức tường bị sập và hỗ trợ kinh phí sửa chữa theo đúng yêu cầu của gia đình đưa ra trong biên bản ghi nhận hiện trường. Theo đó, phía công ty đưa ra phương án hỗ trợ sửa chữa hơn 6 triệu đồng để xây lại bức tường nhưng gia đình không đồng ý.

Ông Thái Văn Nhớ yêu cầu ngoài xây lại bức tường bị sập, phải làm thêm nhiều hạng mục khác như đập và xây dựng lại hết toàn bộ các bức tường bao quanh chuồng gà, đào bỏ phần móng cũ và xây lại phần móng mới, phá dỡ nền bê tông và đổ lại nền bê tông mới.

Các phương án được đưa ra gồm nhà thầu Khai thác mỏ Tân Việt Bắc phải đưa thợ đến sửa chữa khắc phục toàn bộ công việc theo ý kiến của gia đình; gia đình thuê thợ đến sửa chữa và phía Công ty CP Xi măng Đồng Lâm, nhà thầu Khai thác mỏ Tân Việt Bắc chi trả kinh phí thi công và cử người giám sát; gia đình gọi thợ đến khảo sát đo vẽ lập dự toán tất cả các công việc, còn Công ty CP Xi măng Đồng Lâm, nhà thầu Khai thác mỏ Tân Việt Bắc chi trả toàn bộ dự toán này.

Tuy nhiên, sau khi làm việc, các bên liên quan không thống nhất được phương án hỗ trợ gia đình ông Thái Văn Nhớ.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Giám sát điều hành mỏ đá Phong Xuân cho biết, sau khi xem xét vụ việc, chúng tôi cho rằng yêu cầu của người dân là không hợp lý. Bởi, điểm nổ mìn của công ty nổ vào ngày 12/12 ở rất xa nhà ông Thái Văn Nhớ (khoảng 1km) nên ảnh hưởng rung chấn nổ mìn không thể là nguyên nhân chính yếu làm sụp đổ bức tường.

Chuyên gia xây dựng của công ty cũng đã kiểm tra và nhận thấy rằng bức tường được xây lâu năm, xuống cấp, không có liên kết thép giằng néo,… là nguyên nhân gây sụp đổ. Tuy nhiên, để sớm thống nhất phương án hỗ trợ cho người dân, tránh gây mất an ninh trật tự tại địa phương, Công ty CP Xi măng Đồng Lâm cam kết làm việc với các bên liên quan để giải quyết vụ việc.

Ông Nguyễn Bá Lành, Chủ tịch UBND xã Phong Xuân cho biết, hộ gia đình ông Thái Văn Nhớ nằm trong khu vực 500m ảnh hưởng của đê bao nên thuộc diện được hỗ trợ khi bị ảnh hưởng. Địa phương đang tổ chức buổi làm việc với các bên liên quan để đi đến thống nhất phương án hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi của người dân cũng như doanh nghiệp.

Theo Công ty CP Xi măng Đồng Lâm, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến các hộ dân, thời gian qua, đơn vị này đã điều chỉnh khu vực khai thác tịnh tiến về phía đê bao số 3, tập trung tại trung tâm mỏ. Giảm lượng thuốc nổ tại các khu vực giáp đê bao xuống còn 1,5 tấn/bãi (giảm 50% so với quy định cho phép); áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong khoan nổ mìn, sử dụng phương pháp nổ mìn vi sai phi điện-phương án nổ mìn tiến tiến nhất hiện nay, tuyệt đối không sử dụng phương pháp nổ mìn tức thời.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN