Lực lượng liên ngành kiểm tra các giấy tờ pháp lý của một cơ sở kinh doanh tân dược ở Phong Điền

Kịp thời phát hiện

Trong đợt ra quân thanh kiểm tra các cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh, phòng khám nha khoa, điểm kinh doanh thuốc tây, đông dược và các cơ sở spa, chăm sóc sắc đẹp… trên địa bàn huyện mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Phong Điền đã phát hiện và yêu cầu quầy thuốc tân dược T. N, ở xã Phong Chương đóng cửa, do chưa có các thủ tục pháp lý về lĩnh vực hành nghề.

Đoàn kiểm tra liên ngành đã yêu cầu quầy thuốc hoàn thiện các thủ tục pháp lý do Sở Y tế cấp theo quy định. Đồng thời, giao trách nhiệm cho UBND xã Phong Chương quản lý và xử lý theo quy định của pháp luật nếu như cơ sở không chấp hành.

Một sự việc khác, nhận thông tin từ người dân, đoàn liên ngành tổ chức đợt kiểm tra đột xuất và đã phát hiện trên địa bàn xã Phong Xuân có một trường hợp giác hơi, chích lể và bán thuốc nam khi không có giấy phép hoạt động.

Đó là ông Ng. V. Đ (sinh năm 1971), hộ khẩu thường trú tại TP. Thủ Dầu 1, tỉnh Bình Dương. Khi đoàn liên ngành đến kiểm tra, ông Đ. không xuất trình được giấy phép hoạt động, giấy phép hành nghề, mà chỉ có thẻ hội viên Hội Đông y tỉnh Bình Dương và giấy chứng nhận tập huấn Đông y.

Trước đó, ông Đ. được một người dân ở tỉnh Bình Dương (gốc Huế) mời ra chữa bệnh đau khớp cho bố tại xã Phong Xuân. Sau khi khám, chữa cho bệnh nhân xong thì ông trở về lại Bình Dương. Sau đó, ông trở lại Phong Xuân lần thứ hai để tiếp tục khám, chữa bệnh cho bệnh nhân trên. Trong thời gian ở Phong Xuân, ông Đ. đã tổ chức khám bệnh, bốc thuốc cho khoảng 30 người sinh sống trên địa bàn xã và vùng lân cận.

Với sai phạm trên, đoàn kiểm tra liên ngành yêu cầu ông Ng. V. Đ ngưng ngay hoạt động chữa bệnh, bán thuốc và viết cam kết không tái phạm. Đồng thời, đề nghị UBND xã Phong Xuân giám sát việc chấp hành lệnh dừng hoạt động của ông Đ.

Tiếp tục duy trì

Qua các đợt kiểm tra, các vi phạm thường gặp là còn có một số cơ sở vi phạm về niêm yết giá thuốc chưa đầy đủ; không có thiết bị theo dõi nhiệt độ, độ ẩm; sắp xếp thuốc chưa khoa học, hợp lý; cơ sở phun xăm chưa có giấy đăng ký kinh doanh, chưa có văn bản thông báo đủ điều kiện…

Theo ông Thái Văn Lệ, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành về y tế huyện Phong Điền, lĩnh vực khám chữa bệnh, kinh doanh dược phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người dân. Vì vậy, mỗi năm, huyện tiến hành 3 kiểm tra định kỳ và trên dưới 10 đợt kiểm tra đột xuất, nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm. Nhờ thế, tình hình hoạt động của các cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh, phòng khám nha khoa, điểm kinh doanh thuốc tây, đông dược và các cơ sở spa, chăm sóc sắc đẹp… trên địa bàn huyện được kiểm soát tốt.

Riêng việc thanh kiểm tra đột xuất từ thông tin từ người dân phản ánh cho thấy sự tin tưởng và mối quan hệ tốt giữa cơ quan quản lý và người dân. Ông Thái Văn Lệ cho rằng, thông qua người dân là cách tuyên truyền hiệu quả để đưa các hoạt động khám chữa bệnh, kinh doanh dược phẩm vào khuôn khổ. Đặc biệt, khuyến khích người dân cùng giám sát, phát hiện các sai phạm của các cơ sở y, dược, y học cổ truyền tư nhân để có phương án xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật; góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân.

Theo nhận định, càng về cuối năm, các vi phạm trong khám, chữa bệnh, kinh doanh dược phẩm thường sẽ tăng lên. Lãnh đạo UBND huyện Phong Điền nhấn mạnh, huyện sẽ tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở hành nghề y, dược, y học cổ truyền tư nhân. Trong đó, tập trung kiểm tra thủ tục pháp lý về lĩnh vực hành nghề; việc thực hiện các quy chế chuyên môn về dược và các quy định về kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế; việc kinh doanh và sử dụng các loại thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc nhập lậu,... đặc biệt là các thuốc kháng virus chưa được phép lưu hành. 

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG