Học sinh tham gia dọn rác ở bãi biển Thuận An

Những năm qua, Sở GD&ĐT phát động phong trào thi đua "Nét đẹp văn hóa học đường". Theo đó, các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động đầu năm học; hướng dẫn học sinh hát Quốc ca đúng nhạc và lời để hát trực tiếp tại các buổi lễ chào cờ đầu tuần theo đúng nghi thức và thể hiện nhiệt huyết, lòng tự hào dân tộc của tuổi trẻ.

Ngành giáo dục tổ chức nhiều cuộc thi văn hóa cho học sinh THPT, như cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, “Ngày hội văn hóa đọc”, thi “Viết thư UPU”, thi viết “Cảm nhận cuộc sống”. Có 100% trường học tham gia, với trên 7.000 bài cho mỗi cuộc thi hằng năm. Các cuộc thi này góp phần không nhỏ vào quá trình giáo dục đạo đức, tình cảm… cho các bạn trẻ; từ đó hướng đến những giá trị sống chân chính.

Sau hai năm thực hiện các giải pháp giãn cách vì dịch COVID-19, các hoạt động giáo dục được khởi động trở lại như giáo dục kỹ năng sống, giáo dục ngoại khóa phát triển thể chất thu hút sự tham gia tích cực của học sinh, tạo điều kiện giúp học sinh phát triển toàn diện. Đó là giải bơi toàn tỉnh, giải bóng đá truyền thống học sinh THPT toàn tỉnh, giải điền kinh cấp tỉnh và cấp Quốc gia…

Trường THPT Hai Bà Trưng là một trong những trường trên địa bàn tỉnh sớm áp dụng mô hình  “Đối thoại học đường vì một môi trường học đường hạnh phúc”. Không dưới 2 lần nhà trường tổ chức đối thoại với sự tham gia của ban giám hiệu, các đoàn thể, giáo viên, học sinh, nhà tài trợ và phụ huynh học sinh. Với phương châm lắng nghe, thấu hiểu, “nói và làm”, diễn đàn tạo ra một không khí đối thoại sôi nổi, thân thiện, tích cực có tính giáo dục cao.

"Qua buổi đối thoại “Vì một môi trường học đường hạnh phúc”, chúng em có dịp nói lên những tâm tư, nguyện vọng, ý nghĩ của bản thân cũng như tập thể đến với thầy cô giáo. Tại diễn đàn này, điều quan trọng nhất là tạo cho chúng em có cơ hội để nói lên suy nghĩ, thực hiện “quyền được tham gia”, “quyền được bày tỏ ý kiến”, được chia sẻ, được quan tâm, được thấu cảm, được tôn trọng..." - Trần Ngọc Nhã Phương, học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng tâm sự.

Mỗi trường học tùy theo đặc điểm riêng để có cách giáo dục có hiệu quả. Việc lắng nghe trực tiếp ý kiến từ học sinh sẽ mang đến cho lãnh đạo nhà trường, thầy cô không chỉ những bài học thực tiễn mà còn giúp họ có cái nhìn cụ thể, kinh nghiệm để làm tốt hơn công tác quản lý và giáo dục của mình.

Mô hình “Phong trào thanh niên tình nguyện” ở Trường THPT chuyên Quốc Học, các bạn trẻ là nhân vật chính, là chủ nhân tiêu biểu của các phong trào này; trực tiếp tham gia các hoạt động, việc làm phù hợp, có ý nghĩa này, mỗi ĐVTN được bồi đắp, tôi rèn tâm hồn, tư tưởng, tình cảm, nhân cách… Từ đó, hướng đến những giá trị sống chân chính theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Cô Dương Thị Quỳnh Châu, Bí thư Đoàn trường THPT Quốc Học Huế chia sẻ: Chúng tôi phối hợp với Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tổ chức ngày hội “Tấm lòng vàng” quyên góp giúp đỡ học sinh, ĐVTN vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, đầm phá với số tiền hơn 15 triệu đồng/năm học. ĐVTN kết hợp với Hội CTĐ đi thăm và tặng quà cho các trường THPT Bình Điền, THPT A Lưới với số tiền hơn 30 triệu đồng vào dịp cuối năm; thăm và tặng quà “Tiếp sức đến trường” cho các em học sinh, ĐVTN nhà bảo trợ Phú Vang và Trường tiểu học Quảng Thái (Quảng Điền); tham gia hiến máu nhân đạo tại "Lễ hội Xuân hồng" do Tỉnh đoàn tổ chức. Chính những hoạt động này đã giúp các bạn trẻ biết sống yêu thương, biết vì người khác…

Các chương trình tình nguyện được triển khai với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, thu hút sự tham gia của đông đảo ĐVTN, với nhiều hoạt động ý nghĩa như: triển khai chiến dịch tình nguyện “Hoa phượng đỏ” với sự tham gia của hàng chục, hàng trăm học sinh, ĐVTN và giáo viên trẻ; chương trình “Tiếp sức mùa thi” tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và kỳ thi THPT Quốc Gia...

Bài, ảnh: Quốc Hữu