Ông Trương Viết Đính
Đau đáu với nghề truyền thống
Từng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thủy, ông Trương Viết Đính hiểu được đâu là điểm mạnh, đâu là điểm yếu trong hoạt động canh tác cây trồng và chăn nuôi tại địa phương. Đã hơn 10 năm nay, khi trở thành Phó Chủ tịch, rồi được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội NCT xã, ông Đính dùng những kiến thức ấy để hỗ trợ NCT tại địa phương phát triển kinh tế ổn định.
Ông cho biết: “Lộc Thủy là vùng đất có truyền thống sản xuất dầu tràm. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm nên việc mở rộng sản xuất gặp nhiều khó khăn. Đôi khi các hộ dân phải nhập nguyên liệu từ huyện Phong Điền, Quảng Điền và cả Quảng Trị để nấu dầu”.
Cách đây 10 năm, đau đáu với nỗi lo chất lượng nguyên liệu tràm đầu vào không ổn định, ông Đính đã trồng thử nghiệm tràm bằng nhiều phương pháp khác nhau, từ trồng hạt, chiết cành đến trồng bằng rễ. Sau nhiều lần thử nghiệm, ông Đính nhận ra chỉ có phương pháp trồng tràm gió bằng hạt là cho chất lượng và sản lượng dầu nhiều hơn cả.
Từ cây giống thử nghiệm ban đầu, đến nay, ông Đính đã sở hữu 2 ha tràm gió với năng suất thu hoạch cao. Trung bình mỗi năm, cây cho thu hoạch 3 kỳ. Với tràm gió lâu năm, thời gian thu hoạch kéo dài hơn, đạt 2 kỳ/năm và cho chất lượng dầu tương xứng.
Noi gương ông Đính và cũng là nhu cầu mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu chất lượng, nhiều hộ dân tại xã Lộc Thủy đã mở rộng vùng trồng tràm gió, đảm bảo nguyên liệu đầu vào cho hàng chục cơ sở sản xuất tại địa phương.
Gương sáng
Cũng trong thời gian tìm kiếm phương pháp gieo ươm cây tràm hiệu quả nhất, ông Trương Viết Đính trở thành Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, chế biến, dịch vụ dầu tràm Lộc Thủy. Từ sự ra đời của HTX, không chỉ gìn giữ, phát triển nghề truyền thống của cha ông, ông Đính cùng các cơ sở sản xuất trong HTX đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động là NCT tại địa phương.
Ông Đính chia sẻ: “Hiện nay, HTX bao gồm 26 hộ kinh doanh chuyên sản xuất các sản phẩm dầu tràm, dầu sả. HTX hiện có trên 75 nhân công, trong đó, có hơn 50% người lao động là NCT. Ngoài ra còn có lực lượng lao động thời vụ, chuyên thu hoạch, vận chuyển và sản xuất tinh dầu tràm”.
Riêng cơ sở sản xuất dầu tràm của ông Đính, trung bình mỗi ngày, lò nấu dấu tràm của ông tiêu thụ 3 tạ nguyên liệu. Sản xuất sản phẩm chất lượng ngay từ nguyên liệu đầu vào, sản phẩm dầu tràm do cơ sở ông Trương Viết Đính làm ra bao giờ cũng hút khách, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình ông và 4 lao động thời vụ.
Ông Đính nói: “Tôi không có mong muốn gì hơn, đó là phát triển và giữ vững chất lượng của dầu tràm truyền thống của vùng đất Lộc Thủy. Khi sinh kế gắn kết với cây tràm gió được đảm bảo, ngoài việc mở rộng vùng nguyên liệu, giải quyết khó khăn về đầu vào, các cơ sở sản xuất sẽ cùng đồng hành, xây dựng làng nghề dầu tràm Lộc Thuỷ phát triển bền vững hơn nữa”.
Không chỉ cây tràm gió, nhờ kiến thức sâu rộng về các loại cây trồng vật nuôi, ông Đính đã tư vấn, hỗ trợ nhiều hộ NCT trên địa bàn xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất, chất lượng cây, con trên cùng một đơn vị diện tích. Đơn cử như ông Nguyễn Văn Dũng, từ vườn cây rau tạp đã chuyển sang canh tác có hiệu quả với các giống cây ăn quả lâu năm như thanh trà, cam. Vườn rau của ông cũng được bố trí bài bản, mang lại thu nhập ổn định mỗi tháng.
Ngoài ra, từ sự tư vấn chân tình của ông Trương Viết Đính, nhiều hộ gia đình NCT khác như ông Hà Kiếm, Trần Văn Đặng, Mai Văn Xỉ... đều phát triển kinh tế có hiệu quả hơn khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng.
Nhận định về hoạt động phát triển kinh tế của ông Trương Viết Đính, ông Hồ Viết Lễ, Trưởng ban Đại diện Hội NCT tỉnh, cho biết: “Không chỉ gương mẫu đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế và tích cực tham gia các hoạt động hội, ông Trương Viết Đính còn tích cực hỗ trợ, giúp NCT tại xã Lộc Thủy tự tin phát triển sinh kế bền vững. Không chỉ xứng đáng để các hội viên NCT học tập, noi theo, ông Đính còn là tấm gương sáng, thể hiện rõ trách nhiệm, phát huy trí tuệ, kinh nghiệm của NCT tại cộng đồng”.
Bài, ảnh: Mai Huế