Ấn Độ đã triển khai chương trình hỗ trợ thực phẩm miễn phí cho người dân trong hơn 2 năm qua. Ảnh minh họa: Reuters/Báo Tin tức
Cụ thể, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal cho biết, chính phủ nước này sẽ dừng chương trình thực phẩm miễn phí sau 28 tháng, bởi tình hình kinh tế trong nước đã và đang được cải thiện kể từ khi số ca nhiễm COVID-19 được kiểm soát và nới lỏng các hạn chế chống dịch.
Đại dịch COVID-19 và tác động của đại dịch đối với nền kinh tế, đặc biệt là giá lương thực cao, đã siết chặt cuộc sống của hàng trăm triệu người nghèo ở Ấn Độ trong vài năm qua.
Trong chương trình thực phẩm miễn phí, mỗi gia đình nghèo được cấp 5kg ngũ cốc/tháng, cùng lúc hỗ trợ giá cho nhiều loại ngũ cốc khác. Chương trình được triển khai vào tháng 4/2020 và đã tiêu tốn của chính phủ gần 47 tỷ USD.
Bên cạnh đó, chính quyền Ấn Độ cũng đã chi 24,16 tỷ USD theo Đạo luật An ninh Lương thực Quốc gia để cung cấp lương thực được trợ giá cho gần 75% dân số nông thôn và 50% người dân thành thị.
Bộ trưởng Piyush Goyal cho biết, trong 12 tháng tới, chính phủ sẽ triển khai chương trình trợ giá ngũ cốc. Điều này có nghĩa chính phủ Ấn Độ sẽ cung cấp 35kg ngũ cốc/tháng cho các gia đình với giá 0,0121 USD đến 0,0362 USD. Hàng triệu hộ gia đình nghèo được hưởng lợi, trong khi một số nhóm ưu tiên được 5kg lương thực/người với cùng mức giá.
Theo nhận định của các quan chức, chính phủ sẽ tiết kiệm ít nhất 20 tỷ USD trong 12 tháng tới bằng cách chấm dứt chương trình thực phẩm miễn phí trong thời kỳ đại dịch, bởi nước này sẽ chỉ chi cho một chương trình trợ cấp lương thực, thay vì nhiều chương trình.
Động thái được triển khai trong bối cảnh chính phủ Ấn Độ đang phải vật lộn để quản lý kho dự trữ lúa mì do lúa mì được phân phối bổ sung nhiều và giá tại thị trường địa phương tăng cao kỷ lục.
“Việc ngừng kế hoạch có nghĩa là chính phủ Ấn Độ hiện có thể bán 2 - 3 triệu tấn lương thực trên thị trường mở để làm dịu giá”, một đại lý có trụ sở tại New Delhi cho biết.
Đan Lê (Lược dịch từ The Peninsula)