Tại lễ đón Bằng công nhận 

Theo Ô Châu cận lục, làng Vân Thê (xã Thủy Thanh) hình thành vào khoảng năm 1553, đây cũng là thời gian nghề làm nón lá ở địa phương này xuất hiện, chủ yếu phục vụ người dân trong làng. Khi đất nước thống nhất, nghề nón lá ở Vân Thê bắt đầu phát triển mạnh, trên địa bàn toàn xã Thuỷ Thanh nói chung, làng Vân Thê nói riêng hầu như nhà nào cũng tham gia chằm nón.  

Sau thời gian mai một với nhiều nguyên nhân, từ năm 2000, nghề chằm nón ở Huế cũng như làng Vân Thê khởi sắc trở lại khi thông qua các kỳ Festival Huế, Festival Nghề truyền thống Huế, nghề chằm nón được khách du lịch biết đến nhiều hơn, từ đó, số lượng nón lá tiêu thụ cũng tăng đáng kể.

Phát huy giá trị nghề truyền thống, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân địa phương, hiện làng Vân Thê có 48 hộ với 56 lao động làm nghề chằm nón, trong đó, tiêu biểu là cơ sở nón lá Nguyễn Thị Kiềm nhiều năm được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh (2015, 2017, 2021)…

Hiện, nhiều người làm nón ở Vân Thê đã sống được với nghề

Nghề nón lá Vân Thê được công nhận là Nghề truyền thống của tỉnh không chỉ là cơ sở để tiếp tục gìn giữ, phát triển, qua đó giúp người dân sống được với nghề một cách bền vững, mà còn là dịp để quảng bá, lan tỏa hình ảnh cuộc sống, con người Thủy Thanh, Hương Thủy nói chung, du lịch cộng đồng của địa phương nói riêng đến với bạn bè cả nước và quốc tế.

Hiện, TX. Hương Thủy có 1 làng nghề và 2 nghề truyền thống được công nhận, gồm: Làng nghề chổi đót Thanh Lam, Nghề rèn truyền thống Thủy Châu và Nghề nón lá truyền thống Vân Thê.

Tin, ảnh: HÀN ĐĂNG