Nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng

Việc tiếp cận những thành tựu của CMCN 4.0 là con đường ngắn nhất để các DN bứt phá, tận dụng các cơ hội để giảm chi phí, nâng cao NSCL sản phẩm hàng hóa, gia tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường… CMCN 4.0 đang loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, phương thức quản trị, kinh kinh cũ.

Phó Giám đốc Sở KHCN Nguyễn Kim Tùng cho rằng, những cơ hội, thách thức đối với DN, khi nền sản xuất công nghiệp dựa vào gia công và tăng cường lao động đang chiếm phần lớn trong trong các DN sản xuất, nhất là các DN nhỏ và vừa.

Hiện nay, 99% số DN ở Thừa Thiên Huế là nhỏ và vừa. Do đó nguồn nhân, vật lực và tài chính của DN còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm quản lý... dẫn đến hoạt động đổi mới và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao NSCL sản phẩm hàng hóa và năng lực cạnh tranh của các DN trên địa bàn tỉnh chưa được chú trọng đúng mức.

Theo ông Nguyễn Kim Tùng, để nâng cao chất lượng, sản phẩm hàng hóa, các DN không ngừng xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trên cơ sở các chương trình tiêu chuẩn hóa đồng bộ cho các sản phẩm, hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Ứng dụng công nghệ hình thành các dây chuyền sản xuất ở các DN 

Để hòa cùng với xu thế chung, các DN phải chủ động hướng tới tất cả ứng dụng công nghệ mà thời đại 4.0 đang phát triển, không chỉ là công nghệ số, kỹ thuật dữ liệu hay kỹ thuật vật lý, mà cả công nghệ sinh học và các công nghệ mới khác.

Hỗ trợ nguồn lực 

Để giải quyết việc đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào nâng cao NSCL sản phẩm hàng hóa trên địa bàn, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu cuộc CMCN 4.0 là yêu cầu tất yếu hiện nay.

Để giải quyết vấn đề này cần đổi mới, cải cách chương trình, hệ thống giáo dục đào tạo và cần chú trọng kết hợp "3 nhà": nhà trường- nhà khoa học và nhà DN để tạo ra nguồn nhân lực, lao động chất lượng phục vụ CMCN.

Ứng dụng công nghệ sản xuất rau sạch ở huyện Nam Đông

Ông Bùi Quang Vũ, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Khoa học, Đại học Huế chia sẻ, từ năm 2021, nhà trường đổi mới toàn diện chương trình đào tạo cho tất cả các ngành học theo hướng hiện đại, liên thông. Trường mở một số mã ngành đào tạo mới đáp ứng nhu cầu nhân lực CN 4.0 như: Quản trị và phân tích dữ liệu, truyền thông số, hệ thống nhúng và IoT...

Ngoài ra, Trường ĐHKH còn ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xây dựng phần mềm quản trị và đào tạo, đẩy mạnh hợp tác DN, xây dựng các viện nghiên cứu và ứng dụng KHCN...

Vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia hỗ trợ DN nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Sở KHCN sẽ tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về tiêu chuẩn hóa, năng suất, chất lượng, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa cho cán bộ lãnh đạo, quản lý DN; đào tạo nhân lực quản lý, vận hành hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL, kỹ năng sáng tạo và đổi mới, cải thiện các yếu tố nội tại của DN; tổ chức các khóa đào tạo nhận thức chung về năng suất, lợi ích của năng suất cho người lao động, học sinh, sinh viên.

Hỗ trợ cộng đồng DN trong hoạt động chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn của quốc gia nhập khẩu đối với các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chủ lực; chứng nhận truy xuất nguồn gốc (TXNG) sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế...

Nhiều trường học cao đẳng ở Huế bắt nhịp mở các ngành đào tạo ứng dụng công nghệ thời 4.0

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Dương Anh cũng nhấn mạnh chuyển đổi số (CĐS) được xem là xu hướng tất yếu trong cuộc CMCN 4.0 và đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển KT-XH hiện nay.

Những năm qua, tỉnh là một trong những địa phương đi đầu trong công tác CĐS trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 để nâng cao NSCL sản phẩm hàng hóa địa phương nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2025: nâng tỷ trọng đóng góp của kinh tế số từ 15-20% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo Nghị quyết 12 về CĐS của Tỉnh ủy.

Để kết nối tiêu thụ nông sản, nâng tầm nông sản Việt nói chung và nông sản tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, cũng như đồng hành cùng DN trong tiến trình CĐS, Sở TT&TT đã liên kết với hai sàn thương mại điện tử lớn là Post Mart và Vỏ Sò, đưa sản phẩm của địa phương lên sàn qua ứng dụng Hue-S.

Không chỉ cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho người mua mà người bán khi tham gia sàn thương mại điện tử cũng được cung cấp các tiện ích, dịch vụ, chiết khấu tốt nhất có thể; cung cấp giải pháp TXNG, minh bạch thông tin sản phẩm. Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử thường xuyên cung cấp các mã giảm giá cho các sản phẩm, người dân có thể sử dụng để nhận các ưu đãi khi mua hàng...

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG