Nhiều khách sạn ở đường Chu Văn An đang rao bán

“Tắt thở luôn rồi!”

Trên trang alonhadat.com.vn trong ngày 15/12 nổi bật với thông tin nhiều khách sạn rao bán. Như cần bán khách sạn 5 tầng, vị trí đẹp mặt tiền đường Chu Văn An, TP. Huế. Bán khách sạn 8 tầng, tiêu chuẩn 3 sao mặt tiền đường Chu Văn An, TP. Huế. Có chỗ đậu xe, phòng tổ chức sự kiện và bể bơi ngoài trời, có thể tiếp tục hoạt động tốt; cần bán gấp khách sạn 7 tầng, mặt tiền đường Phạm Ngũ Lão, TP. Huế, giá 50 tỷ đồng...

Cách đó khoảng vài trăm mét, một khách sạn 3 sao mặt tiền Đội Cung, TP. Huế với 6 tầng được chào bán 49 tỷ đồng. Xa hơn, về đường Bà Triệu, TP. Huế, một khách sạn 10 tầng ở mặt tiền chào bán với giá 52 tỷ đồng. Không chỉ các khách sạn đang kinh doanh, một khách sạn khác đang hoàn thiện phần thô với 6 tầng tại đường Nguyễn Công Trứ, TP. Huế cũng chào bán vì điều kiện đang gặp khó khăn… Đa số khách sạn rao bán nằm ngay trung tâm TP. Huế, chủ yếu nằm ở khu vực phố Tây: tuyến đường Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu; các tuyến đường tập trung đông du khách như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Sinh Cung… và một số khách sạn nhỏ ở vùng ven thành phố.

Một người chủ đang rao bán khách sạn tại đường Chu Văn An tâm trạng, dù rất muốn duy trì kinh doanh vì khách sạn là tâm huyết, tích góp cả đời, nhưng giờ phải chịu bán vì nhiều lý do. Kinh doanh không thuận lợi, khách sạn phục vụ ít khách hơn so với trước, nguồn thu không đủ chi; trong khi đó, không thể chịu nổi lãi suất ngân hàng. Theo người chủ này, nguồn vốn chủ yếu để xây dựng khách sạn là vay ngân hàng. Gần đây, ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất. Riêng tiền lãi ngân hàng mỗi tháng của người chủ này phải nộp đã lên đến vài chục triệu đồng/tháng. Xoay đủ hướng và cầm cự được một thời, nhưng giờ đã hết cách chỉ biết bán khách sạn để trả nợ.

Một chủ khách sạn khác ở đường Phạm Ngũ Lão buồn bã không kém: “Không phải ngoi ngóp nữa, mà tắt thở luôn rồi! Khách ở châu Âu chưa sang được nhiều vì họ bị ảnh hưởng lạm phát và xung đột. Khách châu Á thì nhiều nơi còn hạn chế bởi dịch bệnh. Khách nội địa thì đang mùa thấp điểm. Nợ và lãi ngân hàng là hai “áp lực” quá lớn hiện tại, nếu càng để lâu sẽ tiếp tục chồng nợ nên bắt buộc phải bán khách sạn chứ không còn đường lùi nữa.

Nhưng việc bán khách sạn cũng không dễ dàng gì. Trong giai đoạn lãi suất ngân hàng tăng, Nhà nước đang “rắc” lại việc mua bán bất động sản, người thật sự còn vốn hiện nay không có nhiều, nên tình trạng bán lỗ, bị ép giá đang xảy ra. Điều này càng khiến doanh nghiệp thêm phần lao đao.

Chưa có “lối thoát”

Trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, công suất sử dụng phòng phải đạt từ 30% trở lên mới đủ chi phí hoạt động và ít nhất 40% mới sinh lợi nhuận. Theo khảo sát tại nhiều khách sạn vừa và nhỏ, công suất sử dụng phòng hiện chỉ đạt trung bình 20 - 30%. Do lượng khách sử dụng dịch vụ đang hạn chế, các khách sạn áp dụng hình thức hạ giá để thu hút khách. Điều này dẫn đến việc cạnh tranh về giá giữa các khách sạn nhỏ với nhau mỗi lúc phức tạp hơn. Nhưng việc càng hạ giá lại càng khiến nguồn thu thêm phần giảm xuống.

Chủ một khách sạn ở đường Nguyễn Công Trứ cho hay, khác với lĩnh vực lữ hành, kinh doanh lưu trú cần nguồn vốn lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài, trung bình 15 - 20 năm. Do đó, so với các loại hình khác, kinh doanh lưu trú dễ bị tác động tiêu cực khi không có khách. “Thường số vốn có sẵn của doanh nghiệp chỉ rơi vào khoảng 10%, còn lại 90% là từ vốn vay ngân hàng. Với một khách sạn nhỏ, vay khoảng 10 tỷ đồng để đầu tư, với lãi suất khoảng 1% tháng như hiện tại, mà khách sạn lại không có khách thì không thể chịu được sức nóng của lãi suất”, chủ khách sạn chia sẻ.

Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành, nhưng theo phía Hiệp hội Du lịch tỉnh, quả thật các đơn vị kinh doanh lưu trú không tiếp cận được. Với tình hình như thế nào, chắc chắn sẽ còn nhiều khách sạn vừa và nhỏ nữa rao bán.

Việc trông chờ vào vốn vay ngân hàng hiện nay là điều không dễ với doanh nghiệp kinh doanh khách sạn. Ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thừa Thiên Huế cho biết, liên quan đến các chính sách vay vốn ưu đãi, các ngân hàng công khai rất rõ ràng. Tuy nhiên, từ đây đến cuối năm, room tín dụng của các ngân hàng đang rất tiết kiệm; ưu tiên cho các khách hàng cũ và các lĩnh vực kinh doanh thiết yếu. Các lĩnh vực mới và còn những rủi ro như du lịch thì ngân hàng đang rất thận trọng và không cấp khoản vay mới.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch, những chính sách, như hỗ trợ vay vốn, ưu đãi về lãi suất vượt tầm của ngành du lịch. Để phần nào hỗ trợ doanh nghiệp, phía ngành sẽ tập trung các giải pháp để thu hút khách đến nhiều hơn, như tập trung phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ có lợi thế và giá trị gia tăng cao với các sản phẩm mới, đặc thù để tạo sự khác biệt với các tỉnh, thành. Tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành du lịch, nhất là giải pháp về công nghệ số, chiến lược truyền thông quảng bá du lịch. Kết nối các hãng lữ hành lớn nhằm triển khai các chương trình tour mới đến miền Trung với đích chính là Thừa Thiên Huế…

Phía Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin thêm, trong các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch của tỉnh trong thời gian đến sẽ như các doanh nghiệp các lĩnh vực khác, chủ yếu tập trung hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ quá trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp du lịch.

Các khách sạn hiện nay cần vốn vay ưu đãi, các chính sách mang tính “phao cứu sinh” kịp thời. Nhưng xem ra, các doanh nghiệp vẫn sẽ phải “tự lực cánh sinh” trong giai đoạn này.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG