Kiểm toán rác tại nguồn - hoạt động của dự án
Làn gió mới
Sau gần một năm khởi động tại TP. Huế, DA bắt đầu triển khai vào tháng 5/2022. Trước mốc thời gian này là bước "lấy đà" kỹ mà nhiều chuyên gia môi trường địa phương nhận định một cách hóm hỉnh - DA "bắt mạch" để "chữa bệnh" giúp cho TP. Huế thêm sạch đẹp.
Bằng các hoạt động thiết thực, ngay từ khi triển khai DA kết nối đến 24/36 phường, xã ở TP. Huế; đồng thời cùng các tổ chức, đoàn thể cấp tỉnh, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về phân loại rác tại nguồn (PLRTN) và giảm thiểu rác thải nhựa. Nhiều hội nghị, hội thảo, hội thi cấp tỉnh, cấp thành phố với mục đích ý nghĩa về PLRTN, giảm rác thải nhựa đã lan tỏa từ cán bộ ban ngành, cơ quan, đơn vị đến người dân. DA đã giúp cho gần 9.000 học sinh tại TP. Huế có ý thức "sống xanh" thông qua các hoạt động trải nghiệm vì môi trường, lồng ghép nội dung về môi trường vào các môn học chính khóa...
Tạo sự lan tỏa trong hoạt động truyền thông, DA khánh thành, tổ chức các hoạt động thường kỳ tại Trung tâm Thông tin Môi trường (46 Trần Phú, TP. Huế), tổ chức các sự kiện hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới; cuộc thi và trao giải "Anh hùng giảm nhựa". Tăng cường truyền thông trên các kênh mạng xã hội như Fanpage của dự án https://www.facebook.com/HuePlasticSmartCity; xây dựng landing page chiến dịch "Người dùng hiện đại không ngại giảm nhựa" https://huedothigiamnhua.com/. DA đã kết hợp với các cơ quan truyền thông địa phương tổ chức truyền thông về PLRTN, giảm thiểu rác thải nhựa đến người dân.
DA còn kết nối với nhiều đơn vị công và tư nhằm xây dựng mạng lưới đối tác giảm nhựa, như ra mắt Nhóm đối tác hành động giảm nhựa tại Huế và sự kiện "Người dùng hiện đại không ngại giảm nhựa"; phối hợp hỗ trợ công trình, DA phát triển sản xuất xanh, sạch... nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay giảm nhựa...
Bên cạnh truyền thông, DA phối hợp lắp đặt 468 thùng lưu chứa, phân loại chất thải rắn tại 156 điểm công cộng tại 23 phường xã trên địa bàn nhằm hỗ trợ người dân tham gia PLRTN; đồng thời lắp đặt 30 camera giám sát, tránh tình trạng người dân xả rác, PLRTN chưa đúng quy định.
Cùng với hoạt động PLRTN, DA phối hợp với các địa phương thực hiện vệ sinh môi trường, xóa bỏ các điểm nóng ô nhiễm, triển khai các mô hình vận động người dân phân loại rác tái chế tại nguồn và gia tăng tỷ lệ tái chế hữu cơ. Kết quả, đã gom gần 14 tấn rác thải, trong đó có hơn 1 tấn rác nhựa, 11 tấn rác tái chế, 400kg nhựa tái chế.
Đồng bộ hạ tầng lẫn chế tài
Ngày 23/12 đã diễn ra hội thảo đánh giá kết quả thực hiện DA với nhiều chuyên gia và đại diện lãnh đạo các tổ chức, ban ngành địa phương tham gia khá trăn trở với mục tiêu của DA này.
Lãnh đạo phường Đông Ba, TP. Huế cho rằng, PLRTN là hoạt động quan trọng của DA nhưng hiện nay phần nhiều người dân địa phương nhận thức còn hạn chế; hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng, nhất ở các kiệt xóm tuyến phố. Muốn đạt được mục tiêu này thời gian đến phải đẩy mạnh tuyên truyền vận động mọi người dân tiếp cận; đồng thời ký cam kết đồng hành cùng DA.
Ông Trần Trung Khánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế (HEPCO)-đơn vị đang đồng hành cùng DA chia sẻ, PLRTN là giải pháp giảm áp lực thu gom, xử lý, đồng thời tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng. Hiện nay PLRTN phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đó là ý thức trách nhiệm của người dân, hạ tầng trang thiết bị, điểm tập kết... Thời gian vừa qua DA đã hỗ trợ khá tốt, tuy vậy để hoạt động PLRTN đạt hiệu quả cao hơn cần có những giải pháp đồng bộ về hạ tầng xử lý, một trung tâm sơ chế tái chế rác sau khi phân loại.
Đại diện Liên hiệp Khoa học và kỹ thuật tỉnh cho rằng, cần rút kinh nghiệm ở các địa phương đã tiếp cận DA để có giải pháp hiệu quả cho TP. Huế. Với mục tiêu giảm rác thải nhựa trước hết là đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân hiểu về PLRTN một cách hiệu quả nhất, phải làm và chịu làm không theo phương châm "đá ném ao bèo"; xây dựng các mô hình đường sá không rác, xã phường xanh, mô hình sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường...
Nhiều ý kiến quan tâm đồng hành với DA chia sẻ, hiện nay trên địa bàn TP. Huế có điểm nóng về rác thải, có những "bãi rác" tự phát làm xấu mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Mong DA tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý "tạo nếp" cho người dân có kế hoạch duy trì cách "vận hành" bền vững về sau.
Một chuyên gia từ Cục Môi trường miền Trung- Tây nguyên chia sẻ, DA tiếp tục đồng hành để "tạo nền" cho địa phương có thể quản lý đồng bộ, tăng cường PLRTN; đồng thời xử lý chất thải theo hướng chuyển đổi thành năng lượng, vật liệu tái sử dụng. Trên cơ sở đó địa phương cần xây dựng các văn bản để áp dụng chế tài xử phạt đối với chủ nguồn thải, đơn vị dịch vụ không tuân thủ quy định của Luật Bảo vệ Môi trường...
DA hiện đang thực hiện tại TP. Huế trong 4 năm, từ năm 2021-2024 và được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn khởi động dự án (2021) và giai đoạn triển khai thực hiện (2022-2024). DA nhằm mục tiêu hỗ trợ thành phố bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa, thông qua một loạt các biện pháp can thiệp với sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các khối công tư, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương với mục tiêu giảm 30% lượng thất thoát rác thải nhựa vào năm 2024.
Bài, ảnh: Song Văn